[CG - Đặng Đình Đại] Nghề giáo viên
NGƯT Đặng Đình Đại, nguyên hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Gia Thiều, hiện là hiệu trưởng THPT Wellspring, Hà Nội, người đã có gần 50 năm gắn bó với nghề giáo sẽ chia sẻ cho quý độc giả chân dung về nghề giáo viên thời hiện đại dưới góc nhìn của thầy.
Nghề Giáo viên: GIÁO VIÊN LÀ AI? HỌ LÀM NHỮNG CÔNG VIỆC GÌ?
“Dưới ánh mặt trời không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học”
Xin được mượn câu nói của nhà giáo dục vĩ đại người Séc J.A.Cômenxki để nói lên sự thanh cao của nghề nhà giáo. Cơ hội cho nghề giáo viên ngày nay ngày càng được nâng cao khi xã hội phát triển, đất nước hội nhập, rất nhiều trường tư thục và quốc tế được thành lập, ngoài hệ thống các trường công lập đã có mặt lâu đời. Đây chính cơ hội lớn cho nhà giáo chọn lựa môi trường làm việc và cải thiện mức lương của nghề giáo.
Chân dung nghề giáo viên thời hiện đại
Thời nào cũng vậy, để làm được tốt nghề thì người chọn nghề phải yêu nghề, phải có những kiến thức về nghề. Và riêng với nghề giáo viên, để làm được nghề, giáo viên phải có kỹ năng sư phạm để truyền tải nội dung, tổ chức cho học sinh tiếp thu và trải nghiệm, sáng tạo kiến thức trong cuộc sống.
Trong thời đại hội nhập, công nghệ 4.0, khoảng cách về địa lý gần hơn, giáo viên cần kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin và tiếng Anh để có thể hội nhập với nền giáo dục của các nước trong khu vực và các nước phát triển trên toàn thế giới, thực hiện được đổi mới nội dung - phương pháp một cách thường xuyên, liên tục.
Nghề giáo đóng vai trò gì trong nhà trường
Nhà giáo trong nhà trường là một lực lượng rất quan trọng để thực hiện việc tổ chức dạy học trong phạm vi bộ môn, phạm vi lớp đã được phân công. Nhà giáo không chỉ truyền đạt kiến thức mà trong việc đổi mới dạy học hiện nay, nhà giáo phải hướng dẫn cho học sinh cách tiếp cận tốt nhất với kiến thức khoa học gắn với thực tế đời sống. Trong nhà trường, với vị thế là người tiếp cận gần nhất và thường xuyên nhất với học sinh, nhà giáo không chỉ truyền đạt cho học sinh kiến thức mà còn chỉ dẫn về đạo đức, tư cách, tác phong để các em có thể trở thành những người công dân tốt của xã hội hiện đại.
Vị trí của nghề giáo viên
Ai cũng từng một lần là học sinh và hầu hết các gia đình đều có con trong độ tuổi đi học từ mầm non cho tới tiểu học, trung học, đại học. Số lượng học sinh rất lớn nên vai trò của nghề giáo viên trong xã hội rất lớn, và có vị trí rất quan trọng trong xã hội. Thương hiệu và vị trí của giáo viên là do mỗi cá nhân tự xây dựng và được đồng nghiệp, học sinh của mình đánh giá. Thực tế cho thây chính học sinh, phụ huynh học sinh và đồng nghiệp của người giáo viên sẽ là những người trực tiếp ghi nhận năng lực chuyên môn, năng lực sư phạm cũng như sự tâm huyết với nghề, thực tâm yêu thương học trò của giáo viên.
Yêu cầu về bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn với nghề giáo viên
Theo quy định trong Điều lệ trường THCS, THPT được Bộ GD&ĐT ban hành năm 2011, trình độ chuẩn của giáo viên bậc trung học là tốt nghiệp các trường ĐH - CĐ sư phạm hoặc các trường ĐH
CĐ khác và có chứng chỉ sư phạm có thể tham gia giảng dạy để trở thành giáo viên. Tuy nhiên, cũng có những thời điểm cơ sở giáo dục chỉ tuyển dụng ứng viên tốt nghiệp các trường khối sư phạm được làm nghề giáo. Đối với giáo dục mầm non thì chỉ cần tốt nghiệp một trường trung cấp sư phạm mầm non của một trường đào tạo sư phạm chuyên nghiệp là đủ.
Để theo kịp với các nước trong khu vực và các nước trên thế giới, giáo viên phải có thêm các chứng chỉ về ngoại ngữ, tin học.
Ngoài ngoại ngữ thông dụng là tiếng Anh như hiện nay, sắp tới Bộ Giáo dục và Đào tạo có dự án về đổi mới chương trình phổ thông, ngoài ngoại ngữ thứ 1 sẽ có thêm ngoại ngữ thứ 2. Giáo viên cũng được khuyến khích bổ sung thêm chứng chỉ ngoại ngữ thứ hai: Anh, Pháp, Trung, Đức, Nga, Nhật, Hàn...
Bên cạnh bằng cấp, các chứng chỉ chuyên môn với nghề giáo thì kỹ năng mềm cũng là một trong nhiều kỹ năng mà giáo viên cần, bao gồm: Kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết phục, kỹ năng ứng xử với học sinh, phụ huynh học sinh, đồng nghiệp, kỹ năng xử lý tình huống, các kỹ năng về sử dụng công nghệ thông tin trong cuộc sống và ứng dụng vào trong việc giảng dạy của mình, kỹ năng tổ chức, điều phối cuộc họp, sự kiện...
Đạo đức nghề nghiệp
Trong nhà trường cũng như trong xã hội đề cao “Mẫu mực sư phạm” để nói về đạo đức của nghề giáo viên là quan trọng số một. Khẩu hiệu từ hơn 10 năm nay của Bộ giáo dục và đào tạo là “Xây dựng nhà trường văn hóa - nhà giáo mẫu mực - học sinh thanh lịch”. Mẫu mực ở đây được hiểu là mẫu mực từ đạo đức, tư cách, tác phong, ứng xử trong nhà trường, ngoài xã hội và trong gia đình. Ngày nay các mối quan hệ xã hội rất rộng, việc truyền tải thông tin rất nhanh, nếu như nhà giáo không phù hợp với đạo đức của xã hội, lập tức sẽ bị cộng đồng phơi bày và lên án. Nghề nhà giáo phải đi theo những chuẩn mực đạo đức nhất định, khắt khe và nghề giáo không chấp nhận sự tự do, phóng túng, buông thả như một số ngành nghề khác. Nhà giáo phải giữ gìn chuẩn mực từ lời ăn tiếng nói, cử chỉ, tác phong đi đứng, cách ăn mặc bởi giáo viên là tấm gương để học sinh noi theo. Nếu như bản thân nhà giáo không gương mẫu thì sẽ khó có thể làm gương cho học sinh của mình.
Đặc thù của nghề giáo viên là liên quan đến con người, để dạy được các em tốt thì giáo viên phải hiểu được học sinh của mình, phải yêu nghề và yêu thương các em học sinh như chính con, em của mình. Ngoài ra, các bạn theo nghề giáo phải có khả năng sư phạm, khả năng ứng xử giao tiếp sư phạm, có khả năng tự học, tự nghiên cứu, tiếp cận được với các phương pháp dạy học mới, nắm vững các tư tưởng và thành tựu khoa học tiên tiến. Nghề giáo còn cần các đức tính: Vị tha, bao dung, công bằng, hòa đồng, trách nhiệm với nghề và với thế hệ học sinh do mình đào tạo, hướng dẫn...
Lộ trình công việc của nghề giáo viên
Bình thường trong vòng 2 đến 3 năm, sinh viên sư phạm sau khi ra trường nếu tận tâm và được ở trong môi trường đồng nghiệp tốt có thể tích luỹ được kinh nghiệm. Hiện nay rất nhiều nơi đặt ra điều kiện phải có kinh nghiệm. Sinh viên vừa ra trường làm sao có kinh nghiệm ngay được, kinh nghiệm là phải qua trải nghiệm. Lời khuyên của thầy Đặng Đình Đại - nhà giáo ưu tú với hơn 47 năm trong nghề giáo: Trong lúc còn là sinh viên, hoặc ra trường mà chưa có việc làm thì các bạn nên tìm đến các công việc liên quan như làm gia sư, các bạn học ngoại ngữ thì có thể vào dạy học ở những trung tâm ngoại ngữ không yêu cầu kinh nghiệm hoặc thậm chí chấp nhận dạy không lương một thời gian ngắn ở các đơn vị để lấy kinh nghiệm. Sinh viên hoặc sinh viên mới ra trường hãy coi thời gian đầu là thời gian để tích luỹ kinh nghiệm, và nên chấp nhận mức lương thấp hoặc có khi là dạy không lương hay thậm chí là không được làm đúng với ngành mình đào tạo. Tuy nhiên các bạn cần nhìn ở tầm xa là tương lai khi bạn tích luỹ kinh nghiệm, đồng thời khẳng định được vị trí của mình thì các bạn sẽ được đơn vị trả một mức lương xứng đáng.
Trước đây khi sinh viên sư phạm ra trường chỉ có một lựa chọn là vào trường công lập, nhưng ngày nay các trường ngoài công lập và quốc tế mở ra rất nhiều cơ hội cho các bạn sinh viên ra trường lựa chọn bến đỗ cho mình. Các bạn phải có lộ trình ít nhất là 2 năm lăn xả với nghề để tích luỹ kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng giảng dạy, cùng với trình độ ngoại ngữ... Các bạn có thể tự tin đứng lớp. Khi các bạn giỏi, thành thục nghề thì các bạn sẽ có chỗ đứng ở trong trường. Các trường dân lập hay quốc tế sẽ tiếp nhận bạn với mức lương thỏa đáng để bạn về với trường của họ.
Sinh viên sư phạm ra trường đi theo nghề giáo sẽ bắt đầu bằng thời gian tập sự rồi mới trở thành giáo viên chính thức. Cùng với thời gian, kiến thức, kỹ năng, thâm niên và trình độ của giáo viên nâng cao, các bạn có thể trở thành nhóm trưởng bộ môn và tổ trưởng tổ chuyên môn. Tổ trưởng chuyên môn nếu hoàn thành xuất sắc công việc, thể hiện được năng lực quản lý có thể được đề xuất làm phó hiệu trưởng.
Lộ trình thăng tiến công việc về vị trí của nghề giáo rất ít. Một trường chỉ có 1 hiệu trưởng, 2 đến 3 phó hiệu trưởng, và khoảng 5 tổ trưởng chuyên môn. Cùng với sự thăng tiến về vị trí trong công việc thì quyền lợi vật chất cũng được tăng theo, tuy nhiên, quyền lợi này gia tăng không đáng kể. Những nhà giáo có năng lực và tận tâm sẽ nhận được sự tôn trọng, quý mến của học sinh, phụ huynh và đồng nghiệp. Nhiều giáo viên không có chức vụ trong nhà trường, nhưng cho tới lúc về hưu, họ vẫn được các thế hệ học sinh và đồng nghiệp đều hết sức yêu mến.
Giáo viên - đặc biệt các bạn giáo viên trẻ nên tham gia các cuộc thi về giáo viên dạy giỏi tuỳ theo các cấp để có thể học hỏi, trau dồi kiến thức và tích luỹ thêm kinh nghiệm cho bản thân và có một lộ trình thăng tiến tốt trong nghề:
Giáo viên dạy giỏi cấp trường (Hiệu trưởng công nhận).
Giáo viên dạy giỏi cấp quận (Trưởng phòng GD&ĐT công nhận).
Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh - thành phố (Sở GD&ĐT công nhận).
Giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia (Bộ GD&ĐT công nhận).
Danh hiệu Nhà giáo ưu tú (Chủ tịch nước công nhận).
Danh hiệu Nhà giáo nhân dân (Chủ tịch nước công nhận).
Thách thức của nghề giáo viên
Người ngoài nhìn thấy nghề giáo là một nghề hết sức nhàn nhã: Một tuần giáo viên trung học lên lớp khoảng 16 đến 18 tiết. Thực tế thì không phải vậy, giáo viên phải làm rất nhiều việc không ghi trong thời khoá biểu như: Chấm bài, soạn bài, làm hồ sơ sổ sách, chuẩn bị cho các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ. Sách giáo khoa hiện nay với dữ liệu từ năm 2000 đến 2005, vì vậy, việc giáo viên phải soạn bài giảng phù hợp với giáo trình và thực tế để học sinh phục, học sinh lắng nghe là điều không dễ dàng và cũng cần thời gian để cập nhập những thông tin mới.
Đã là nhà giáo thì phải có quan niệm và thể hiện đúng về mối quan hệ thầy - trò. Trước đây, quan hệ thầy trò theo truyền thống Nho giáo, thầy như cha và còn hơn cha vì thế quan hệ thầy trò là mối quan hệ áp đặt, một chiều. Hiện nay, trong xã hội hiện đại, sự bình đẳng trong nhà trường cũng là một yếu tố mới. Học trò có thể phát biểu ý kiến để nhận xét góp ý về thầy cô. Và thầy cô không được quyền lấy uy thế của mình để xử lý học trò. Thầy cô phải biết lắng nghe học trò. Đây là cái khó bởi nếp cũ của nền giáo dục Nho giáo đã ngấm vào trong nếp nghĩ của từng nhà giáo: Thầy nói, trò phải nghe; Thầy nói không nghe là không được. Điều này cũng là rào cản nhất là đối với những giáo viên nhiều năm trong ngành. Họ có nếp nghĩ học trò chỉ bằng tuổi con mình, nên có gì đó chưa thật sự tôn trọng. Đã có những sự việc va chạm đáng tiếc xảy ra khi giáo viên nói tôn trọng học trò nhưng học sinh nói thầy cô không tôn trọng chúng nên mới dẫn đến vụ việc tranh cãi lùm xùm trên mạng, trên báo giới rất đáng tiếc và không đáng có.
Ngoài ra còn có tác động của xã hội, bạo lực từ phía học sinh và từ phía phụ huynh (khi cảm thấy không thoải mái gì đó, học sinh và phụ huynh có thể hành hung ngay giáo viên). Con số này không nhiều, nhưng với sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội nên đã phát tán, phóng đại các sự việc đó lên. Dưới góc độ của tôi, những vụ việc như nhà giáo vi phạm đạo đức, học sinh hành xử không theo truyền thống tôn sư trọng đạo không nhiều nhưng lại lan toả rất nhanh, và khi đó mọi người vội vã quy kết. Đây cũng chính là áp lực của nghề giáo khi phải tránh được những xung đột thái quá do hành vi, cư xử mang tính bạo lực trong nhà trường cũng như ngoài xã hội.
Xu hướng và dự báo tương lai
Do việc hoạch định kế hoạch nguồn nhân lực quốc gia hiện chưa được sát sao và chính xác, cũng như sắp tới sau khi đổi mới giáo dục dự kiến vào năm 2018 sẽ có xáo động rất lớn về mặt phân bổ lực lượng giáo viên bởi thay đổi phương pháp dạy học. Hiện nay, giáo dục cấp trung học cơ sở đang có tình trạng khủng hoảng thừa ở một số địa phương, giáo viên đang trong biên chế THCS bị điều chuyển dạy tiểu học, thậm chí mầm non. Việc điều chuyển này chưa chắc đã phù hợp và tốt hơn vì đặc thù đối tượng học sinh của các cấp này khác hẳn nhau.
PGS Bùi Văn Quân (Hiệu trưởng Đại học Thủ đô Hà Nội) cho biết, dự kiến đến năm 2018 số sinh viên sư phạm ra trường mỗi năm bậc tiểu học là 19.200, THCS là 18.700 và THPT là 23.000.
“Cho dù tăng mức bình quân của số học sinh trên giáo viên lên tương đương với các nước công nghiệp phát triển, thì tại thời điểm năm 2020 hệ thống cũng không thể tuyển dụng hết số giáo viên mới tốt nghiệp ra trường, vẫn thừa khoảng 41.000 đối với tiểu học, 12.200 với THCS và 16.900 với THPT”, PGS Quân nhận định. Cũng theo thông tin mới nhất được đưa ra tại Hội nghị sơ kết học kỳ I năm học 2016-2017 của các sở GD&ĐT diễn ra hôm 14/1/2017, cả nước hiện thừa khoảng 27.000 giáo viên trường công lập từ tiểu học đến THPT, nhưng lại thiếu hơn giáo viên công lập ở bậc mầm non.
Thầy Đại cho biết, để giảm thiểu tỉ lệ thất nghiệp hiện nay thì bản thân học sinh cần phải được tư vấn hướng nghiệp ngay từ lớp 8, lớp 9 bởi các đơn vị tư vấn doanh nghiệp (với đầy đủ các con số thống kê cùng kinh nghiệm) sẽ có thể tư vấn hướng nghiệp cho các em một cách hiệu quả cùng với sự định hướng của bố mẹ (thay vì việc các con vu vơ, tự cảm thấy bản thân thích nghề này nhưng chưa biết nghề đấy như thế nào, hoặc bố mẹ ép con theo ngành mà mình có quan hệ để dễ xin việc sau này, hoặc các con đi theo định hướng của bạn bè).
Các em phải xác định được năng lực bản thân thích ứng được ngành nghề nào, kết hợp với hoàn cảnh gia đình. Có thể sử dụng các công cụ trắc nghiệm để hỗ trợ quyết định một sự lựa chọn đúng đắn dựa trên các con số thống kê về ngành và xu hướng ngành trong vòng 5 đến 10 năm tới.
- Theo chuyên gia Đặng Đình Đại (Trích Cẩm nang nghề nghiệp hiện đại).
Bài viết khác
Chọn nghề theo năng lực, sở thích hay ý cha mẹ?
Ngày đăng: 03/05/2023 - Lượt xem: 4587
Vào mùa tuyển sinh, chủ đề chọn nghề, chọn trường luôn khiến các học sinh băn khoăn, khó đưa ra quyết định.
Xem thêm [+]Tuyển sinh năm 2023, mức độ cạnh tranh ngành Ngôn ngữ Hàn ra sao?
Ngày đăng: 26/03/2023 - Lượt xem: 991
Dự đoán, năm nay mức độ cạnh tranh vào ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc vẫn ở mức cao, tương đương năm ngoái.
Xem thêm [+]Ngành nghề nào sẽ 'lên ngôi' 5 năm tới?
Ngày đăng: 24/03/2023 - Lượt xem: 2929
Kinh doanh và quản lý, máy tính và công nghệ thông tin… là những lĩnh vực có tỉ lệ tuyển sinh cao nhất năm 2022...
Xem thêm [+]Phụ huynh, học sinh nên làm gì để hiểu ngành nghề dự định đăng ký?
Ngày đăng: 22/03/2023 - Lượt xem: 958
Trước mỗi mùa tuyển sinh, bên cạnh lo lắng thi cử, nhiều phụ huynh, sĩ tử cũng băn khoăn về việc lựa chọn ngành học đúng sở thích, vừa năng lực.
Xem thêm [+]Có nên học ngành Truyền Thông Đa Phương Tiện?
Ngày đăng: 21/01/2022 - Lượt xem: 4089
Ngành học Truyền Thông Đa Phương Tiện (Multimedia) là ngành học phổ biến hiện nay và có rất nhiều trường đào tạo. Vì thế, để tìm cho mình một nơi học tập tốt, ngoài việc tìm hiểu thông tin, bạn nên chú ý đến cơ hội thực hành, cơ hội nghề nghiệp của trường mà bạn chọn theo học. Ngay bây giờ, hãy cùng Hướng nghiệp GPO cập nhật thông tin này...
Xem thêm [+]7 ngành nghề cho những ai giỏi tiếng Pháp
Ngày đăng: 19/01/2022 - Lượt xem: 2161
Bạn rất đam mê học tiếng Pháp rất nhiều nhưng các bài viết trên các trang báo thời nay kể cho bạn nghe một tương lại không sáng lạng gì cho ngôn ngữ này. Vậy thì dưới đây là 7 nghề cho những ai không dám theo đuổi con đường Pháp văn vì sợ thất nghiệp.
Xem thêm [+]Học nghề gì để ra trường có việc làm luôn?
Ngày đăng: 19/01/2022 - Lượt xem: 2795
Thị trường lao động, tuyển dụng việc làm đang có sự dịch chuyển nhanh chóng. Một ngành nghề đang “hot” ở thời điểm hiện có thể sẽ trở lên lỗi thời ở tương lai. Sự thay đổi này khiến nhiều bạn trẻ, đặc biệt là các em học sinh THPT “lúng túng” không biết nên lựa chọn ngành học nào phù hợp với sở thích, điều kiện kinh tế gia đình và...
Xem thêm [+]Học tiếng Hàn làm nghề gì kiếm nhiều tiền nhất ?
Ngày đăng: 19/01/2022 - Lượt xem: 1950
Việc lựa chọn một nghề nghiệp phù hợp với bản thân không chỉ mang lại cho bạn một cuộc sống có mục tiêu, có định hướng hơn mà còn mang lại cho bạn một tâm trạng thoải mái, vui tươi khi làm bất kì công việc nào trong lĩnh vực mà bản thân mình đam mê, yêu thích. Chính vì lý do đó mà bài viết này sẽ giúp bạn có cái nhìn khách quan hơn, liệu nghề...
Xem thêm [+]Top 5 ngành “Hái ra tiền” cho dân học tiếng Đức
Ngày đăng: 18/01/2022 - Lượt xem: 3873
Học tiếng Đức, cơ hội làm việc ra sao? Đó là câu hỏi của rất nhiều bạn khi bắt đầu chọn ngoại ngữ thứ hai để theo học. Tiếng Đức kén người học nhưng tiềm năng “gặt hái ra tiền” không thua kém các ngôn ngữ khác. Thậm chí, các nhà tuyển dụng sẵn sàng mở hầu bao nhiều hơn, cao hơn đối với các “những gà cưng” vừa biết tiếng Anh và...
Xem thêm [+]7 Nghề nghiệp liên quan đến Tiếng Anh có mức lương hấp dẫn
Ngày đăng: 18/01/2022 - Lượt xem: 1884
Đối với những người có năng lực Tiếng Anh xuất sắc, bạn sẽ rất có lợi thế khi tìm kiếm các cơ hội việc làm với mức lương hấp dẫn. Hãy cùng Hướng nghiệp GPO tìm hiểu 7 nghề nghiệp liên quan đến Tiếng Anh sau và biết đâu bạn có thể tìm thấy ngành nghề mơ ước trong tương lai.
Xem thêm [+]Danh mục ngành nghề
Góc cuộc thi
- Không thi thực hành trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia 2021-2022
- Học sinh Việt vô địch cuộc thi Tin học văn phòng thế giới
- Sinh viên văn hóa đạt giải Nhất cuộc thi về ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo
- [Nghề nào cho em] Năng lực bản thân - Vũ khí của sự khác biệt
- [Nghề nào cho em] Đơn phương nghề báo
- [Nghề nào cho em] Ước mơ hay xu thế - lựa chọn con đường phía trước
- [Nghề nào cho em] Hành trình của những giấc mơ
- [Nghề nào cho em] Đại học có phải con đường duy nhất để dẫn đến thành công