[Nghề nào cho em] Đơn phương nghề báo
Mình sẽ kể cho mọi người nghe về một tình yêu...”ngộ” của mình.
Đó là tình yêu đơn phương nghề báo…
Bắt đầu một tình yêu
Ngày còn học cấp 2, mình thích màu áo xanh của công an nhất. Nhưng chẳng rõ từ lúc nào, mình đã chuyển từ màu áo xanh sang màu bút mực xanh. Chỉ biết rằng, trong ngày sinh hoạt về chủ đề “nghề nghiệp” vào năm cấp 3, thầy chủ nhiệm hỏi: “Ước mơ của em là gì?”, mình đã không ngần ngại và nói “Em muốn trở thành nhà báo”. Mình đã trả lời rất nhanh, dường như là không cần nghĩ.
Tại sao mình lại yêu Báo chí? Đơn giản vì mình cảm giác đứng trước hai chữ ấy, mình bé nhỏ vô cùng. Người ta nói, nếu ước mơ bạn không đủ lớn, bạn sẽ không cảm thấy sợ khi nghĩ về nó. Nhưng nói đến Báo chí, mình có phần lo sợ. Mình nghĩ, đó là suy nghĩ của một đứa học trò “nhà quê” và “mộng cao”. Nhưng chính sự thèm khát được đi nhiều nơi, gặp được nhiều người và hi vọng nhìn thấy những người mình thần tượng đã kéo mình gần hơn với nghề này. Và mình đã chắc nịch, dù quyết định này có là sai lầm, dù sau này ra trường không làm đúng chuyên ngành, mình cũng sẽ không hối hận!
- Vậy còn khó khăn em có thể gặp phải khi chọn học ngành này là gì?
- Dạ, khó khăn là: chịu áp lực đề tài, phải xây dựng mối quan hệ, tiền bạc, dễ bị ghét, dễ mắc sai lầm, không còn đạo đức nghề nghiệp,...
Mình đã kể rất nhiều. Với mình, ngành nào cũng có khó khăn riêng thôi. Thầy có cho mình một ngày, mình cũng có thể “moi” hết khó khăn ra để kể.
Cuối cùng thầy đùa một câu: “Này nhà báo, đừng có ‘báo nhà’ nha!”
Ngày trước khi nghe câu nói ấy, mình cũng không suy nghĩ nhiều lắm. Nhưng trải qua khoảng thời gian học tập trong ngành Báo chí này, mình mới thấy, câu nói ấy luôn giống như một lời nhắc nhở cho mình: “Này nhà báo, đừng có ‘báo nhà’ nha!”
Tình yêu nào cũng có một chút...nghi ngờ
Vậy nên trong một vài khoảnh khắc nào đó, mình cũng từng hoài nghi về ngành nghề mình học. Không biết nó có thật sự phù hợp với mình không? Không biết mình sẽ trở thành “nhà báo” hay thực chất chỉ là là kẻ “báo nhà”? Nhất là trong thời điểm mọi người lại hay bình luận câu “nhỏ không học, lớn làm nhà báo” trên mấy bài người ta cho rằng “báo lá cải”.
Thật sự mình luôn uất ức khi đọc những bình luận ấy, mình luôn muốn nhào vào và “múa võ mồm” với những người đó. Rằng để được vào học Báo chí, mình đã vật vã cả ba năm cấp 3. Mình đánh đổi không chỉ là mồ hôi mà còn là nước mắt. Rằng ngành Báo chí ở trường mình vào thời điểm đó là một trong hai ngành cao điểm nhất. Rằng ngành này xứng đáng được đề cao chứ không phải là để họ mỉa mai như thế. Rằng “các người thử không học mà làm báo được cho tôi xem?”.
Nhưng rốt cuộc mình cũng chỉ “muốn” thôi chứ không làm. Bởi vì mình hiểu, mình không cần hao tốn ngôn ngữ để giải thích với những người có cái nhìn phiến diện. Ngành nào thì cũng sẽ có người này người kia. Nếu họ chỉ thấy bầu trời xám đen thì dù ta nói cầu vồng sẽ đến, họ cũng không tin. Và nhờ những lúc như vậy, mình càng kiên định hơn với ngành mình lựa chọn.
Mình đã tốn rất nhiều công sức để thuyết phục cha mẹ cho học nghề, tốn nhiều tiền bạc để mua vật dụng làm nghề, tốn nhiều thời gian để đọc nhiều sách vở, tốn nhiều chất xám để nghĩ đề tài, tốn nhiều nước bọt để phỏng vấn nhân vật, tốn nhiều can đảm để lắng nghe những định kiến,...Vậy nên đối với mình, những lời nói ấy giống như một lời nói “khích”. Mà những lời nói “khích” thường chỉ làm chúng ta hành động quyết liệt hơn thôi.
...và thêm một chút lãng mạn
Lắm lúc mình nghĩ, Báo chí giống như một người mình yêu đơn phương vậy. Cậu ấy lúc nào cũng lạnh lùng, mình lúc nào cũng phải chạy theo cậu ấy. Mình chỉ cần bỏ lỡ vài phút, cậu ấy lại đi xa mình ngàn bước. Người ngoài nhìn mình điên cuồng chạy theo như vậy, có người cười mình ngốc nghếch, có người chỉ trỏ xì xào. Có người nói mình thấy sự hào nhoáng nên chạy theo. Có người nói mình sẽ nhanh chóng từ bỏ vì áp lực. Duy chỉ có mỗi mình biết, mình vui vẻ cỡ nào.
Cậu ấy mang mình đến gặp những người mà trước giờ mình chưa từng gặp, dạy mình cách giao tiếp để có thể khơi gợi được câu chuyện của nhân vật. Cậu ấy nhiều lần từ chối viết tên mình lên chỉ để mình nỗ lực hơn. Cậu ấy tạo cơ hội cho mình gặp nhiều hoàn cảnh khác nhau và dạy mình cách biết quý trọng những gì mình đang có, cố gắng hơn từng ngày. Cậu ấy thấy nhiều lần mình mất ngủ vì thời hạn nộp bài, chứng kiến bộ dạng mình tất tả tác nghiệp nhưng chưa một lần chê mình xấu xí. Bởi vì đó là “nét đẹp lao động” mà cậu ấy ban cho mình. Cậu ấy khiến mình có được một “sự tôn trọng vô hình nào đó”. Cậu ấy giúp mình được làm công việc trong khả năng của mình.
Và quan trọng nhất, nhờ cậu ấy, mình được là chính mình, được kiếm tiền từ chính mơ ước của mình.
Cậu ấy chứng kiến bộ dạng mình tất tả tác nghiệp nhưng chưa một lần chê mình xấu xí
...cùng với một tí cay đắng
Tất nhiên, cậu ấy cũng nhiều lần “tát” vào mặt mình để mình tỉnh ra vài thứ.
Mình ngày xưa đã từng tự tin lắm, đến đỗi thầy chủ nhiệm từng nói rằng mình "cao cao tự đại, nghĩ cái gì cũng giỏi". Mình ngày xưa đã từng nghĩ, chỉ cần cố gắng, không gì là không thể làm được. Nhưng mình càng lớn, càng biết rõ bản thân chỉ là ngôi sao nho nhỏ trong cái vũ trụ to to. Mình càng lớn, càng hiểu có những thứ, nhất định phải biết rằng cố gắng thôi là chưa đủ. Ngoài cố gắng ra, còn cần phải biết chấp nhận. Chấp nhận những định kiến: “Nhà báo nói láo ăn tiền”, “Con gái học báo, có sự nghiệp không có gia đình”. Chấp nhận bài không được duyệt, nhân vật từ chối nhận phỏng vấn. Chấp nhận “ngày đây mai đó” và “bút sa là gà chết”.
Nghề báo đã dạy mình cách lớn lên. Mình bắt đầu xóa bỏ nhiều thứ trong cái góc khuất riêng tư chật hẹp của mình. Bởi vì có nhiều người, nhiều câu chuyện còn lớn lao hơn mình nữa. Mình không huyên thuyên về thứ mình yêu thích như cái cách của cô gái năm 18 tuổi đó nữa. Vì mình không còn dũng khí, mình sợ. Mình sợ khi mình nói mãi về một thứ mình yêu, mình mãi mãi không đạt được nó. Mình sợ mình càng nắm, thứ đó sẽ càng vượt khỏi tầm tay. Mình không còn ngọn lửa hừng hực để nói về nghề, như cách mọi người đã, luôn và sẽ làm trong ngày 21/6.
Nhưng cuối cùng vẫn là tình yêu
Mình bây giờ chỉ biết cố gắng hơn mỗi ngày. Bởi mình từng có một lời thề, dù là “đồ ngốc”, mình cũng sẽ là “đồ ngốc” nỗ lực nhất. Và mình cũng cảm nhận được, tận sâu trong lòng mình, có một thứ luôn phát triển, như cách rễ cây bám chặt vào lòng đất. Không ai nhìn thấy rễ cây sinh sôi như thế nào, chỉ biết rằng, rễ cây sẽ luôn sinh sôi để giữ cho thân cây cứng cáp. Và rễ cây đó chính là tình yêu mình dành cho cậu ấy - nghề báo của mình.
Có ba câu hỏi mình nghĩ bạn cần đặt ra cho bản thân khi chọn ngành nghề: Bạn có yêu nghề đó không? Bạn có yêu nghề đó không? Và bạn có yêu nghề đó không?
Bởi vì chỉ có bạn mới biết được “gu” người yêu của bạn là như thế nào thôi!
Tin mình đi, “người học báo không nói láo đâu”!
Kha Trần Khả Ái
Bài viết khác
Không thi thực hành trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia 2021-2022
Ngày đăng: 07/01/2022 - Lượt xem: 3068
Theo đó thí sinh thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm 2021-2022 ở 3 môn: Vật lý, Hóa học và Sinh học sẽ không thi thực hành
Xem thêm [+]Học sinh Việt vô địch cuộc thi Tin học văn phòng thế giới
Ngày đăng: 23/11/2021 - Lượt xem: 2787
Nguyễn Quốc Huy, lớp 12 THCS-THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội, giành huy chương vàng Microsoft Word 2016 tại cuộc thi Tin học văn phòng thế giới. Ngay bây giờ, hãy cùng Hướng nghiệp GPO tìm hiểu qua bài viết này nhé!
Xem thêm [+]Sinh viên văn hóa đạt giải Nhất cuộc thi về ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo
Ngày đăng: 16/10/2021 - Lượt xem: 2624
Với ý tưởng mang đến những bộ đồ với kiểu dáng mới lạ, sang trọng và thoải mái cho nữ giới thừa cân, sinh viên Khoa Văn hóa Du lịch, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội đã giành giải thưởng cao nhất của cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo dành cho nữ sinh viên năm 2021”. Hãy cùng Hướng nghiệp GPO tìm hiểu thêm về thông tin trên nhé.
Xem thêm [+][Nghề nào cho em] Năng lực bản thân - Vũ khí của sự khác biệt
Ngày đăng: 03/10/2020 - Lượt xem: 3878
Cuộc vật lộn về việc định hướng sự nghiệp, về con đường học vấn đã trở thành vấn đề của toàn xã hội.
Xem thêm [+][Nghề nào cho em] Ước mơ hay xu thế - lựa chọn con đường phía trước
Ngày đăng: 01/10/2020 - Lượt xem: 3291
Trẻ thơ như những chiếc mầm non mới nhú, trong trí óc chúng là những thứ bay bổng, bay bổng như những đám mây - bay mãi, bay mãi trên những nền trời xanh.
Xem thêm [+][Nghề nào cho em] Hành trình của những giấc mơ
Ngày đăng: 01/10/2020 - Lượt xem: 5146
Tôi ngồi phịch xuống bên bãi cỏ, nhắm mắt rõ chặt, tâm hồn lơ tơ mơ khi đó. Theo một bản năng được học của những hình tượng nghề nghiệp trong lớp Lá mầm non.
Xem thêm [+][Nghề nào cho em] Đại học có phải con đường duy nhất để dẫn đến thành công
Ngày đăng: 01/10/2020 - Lượt xem: 4739
Ngày nhập học, tôi háo hức và hồi hộp điền vào đơn xin nhập học. Dường như, tôi đã đặt tất cả niềm tin và hy vọng vào con đường mà tôi đã chọn.
Xem thêm [+][Nghề nào cho em] Để tôi kể bạn nghe về nghề tôi đang làm nhé!
Ngày đăng: 01/10/2020 - Lượt xem: 1965
Tôi không phải một người giỏi viết, và tôi đã lưỡng lự khá nhiều trước khi quyết định tham gia cuộc thi này, chia sẻ câu chuyện của mình.
Xem thêm [+][Nghề nào cho em] Nghề từ tâm
Ngày đăng: 30/09/2020 - Lượt xem: 1556
Tôi rất cảm ơn bản thân vì đã có dũng khí lựa chọn nghề này, đã đủ kiên định giữ lập trường khi bị ngăn cản. Chợt bên cửa sổ, tôi thấy bà mạnh khỏe, mọi người đều hạnh phúc, vây quanh cô gái mặc áo blouse trắng, cổ đeo ống nghe, mỉm cười với tôi.
Xem thêm [+][Nghề nào cho em] Ngành dịch vụ và ngọn lửa trong trái tim tôi
Ngày đăng: 30/09/2020 - Lượt xem: 2677
Ở đây có ai muốn làm nghề dịch vụ không ...
Xem thêm [+]Danh mục ngành nghề
Góc cuộc thi
- Không thi thực hành trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia 2021-2022
- Học sinh Việt vô địch cuộc thi Tin học văn phòng thế giới
- Sinh viên văn hóa đạt giải Nhất cuộc thi về ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo
- [Nghề nào cho em] Năng lực bản thân - Vũ khí của sự khác biệt
- [Nghề nào cho em] Đơn phương nghề báo
- [Nghề nào cho em] Ước mơ hay xu thế - lựa chọn con đường phía trước
- [Nghề nào cho em] Hành trình của những giấc mơ
- [Nghề nào cho em] Đại học có phải con đường duy nhất để dẫn đến thành công