Hướng dẫn trả lời câu hỏi phỏng vấn: "Tại sao bạn lại muốn công việc này”
Khi chuẩn bị cho một buổi phỏng vấn có thể bạn sẽ gặp phải một trong những câu hỏi phỏng vấn việc làm hàng đầu như là: "Tại sao bạn muốn công việc này?" Hầu hết các nhà tuyển dụng đều hỏi câu này (ngay cả khi không sử dụng chính xác từng từ từng chữ), và các ứng viên thì dành nhiều thời gian lập chiến lược để trả lời sao cho phù hợp.
Câu hỏi phỏng vấn này gây ra khá là nhiều khó khăn. Trước hết là mọi người không biết rằng liệu có câu trả lời nào là phù hợp nhất cho câu hỏi phỏng vấn này không? Hay là một câu trả lời theo khuôn mẫu có thể hiện được những gì bạn muốn truyền đạt không? Các nhà tuyển dụng biết rằng có khả năng bạn đã lên kế hoạch chuẩn bị trước để trả lời các câu hỏi của họ, nhưng việc chuẩn bị trước cho một câu trả lời mang tính hệ thống như này lại đặt ra những vấn đề riêng.
Rất dễ để trả lời câu hỏi phỏng vấn này một cách thẳng thắn:
- Tôi cần phải chi trả cho cuộc sống
- Đây là một công việc quy mô hơn với một chức danh ấn tượng, và tôi muốn được thăng chức.
- Tôi đang chán công việc hiện tại.
- Vị trí công việc cũ của tôi trở nên thừa thãi.
- Tôi không hợp với người sếp hiện tại.
Mặc dù tất cả những điều vừa đề cập bên trên có thể đúng đấy, nhưng bạn không thể nói thẳng toẹt ra như thế khi phỏng vấn. Mặt khác, một câu trả lời chung chung sẽ không có lợi bằng việc nói ra toàn bộ sự thật. Bạn sẽ phải thể hiện rằng mình trung thực, ấn tượng và nhiệt tình, đồng thời trình bày được lý do bạn là ứng viên phù hợp cho công việc. Bạn chỉ không chắc chắn làm thế nào để đạt được điều đó.
Vậy làm thế nào để trả lời câu hỏi"Tại sao bạn muốn công việc này?" một cách ấn tượng
1. Tìm hiểu từ trước
Rất có thể là bạn đã gửi hồ sơ công việc (hoặc CV) đến nhiều nhà tuyển dụng mà không tìm hiểu mọi thứ thật kỹ lưỡng. Còn bây giờ thì đang chuẩn bị phải đi phỏng vấn rồi. Đây chính là lúc để biết thêm về công ty bạn ứng tuyển và công việc mà mình sẽ đảm nhận.
Sự thật là nhiều ứng viên không phải lúc nào cũng có thời gian để tìm hiểu mọi thứ về tất cả các công ty mà mình ứng tuyển. Bên cạnh đó, việc đầu tư thời gian và công sức vào việc tìm hiểu một công ty và sau đó mới biết rằng mình không được gọi đi phỏng vấn là một điều gì đó khiến chúng ta cảm thấy chán nản vô cùng. Tuy nhiên, một khi biết chắc rằng mình được gọi đi phỏng vấn thì đã đến lúc để bạn bỏ công sức ra tìm hiểu thêm về doanh nghiệp rồi đấy!
Tìm hiểu về doanh nghiệp không chỉ đơn giản là đọc trang web. Hãy tự hỏi rằng mình có biết tên của những người sẽ phải gặp không? Họ là ai? Họ có hồ sơ trên trang web của công ty không? Hồ sơ LinkedIn của họ là gì?
Nghiên cứu trên LinkedIn có thể sẽ mang lại thêm 2 lợi ích khác, ngoài việc cho phép bạn tìm hiểu thêm về hình ảnh chuyên nghiệp của người quản lý tuyển dụng.
- Điều đầu tiên: tìm kiếm mối liên hệ chung (nếu có) với người quản lý tuyển dụng. Nếu bạn tìm được bất kỳ mối liên hệ chung nào và cảm thấy thoải mái thì hãy tiếp cận với mối liên hệ chung đó, hãy cân nhắc hỏi họ một vài câu hỏi. Hãy nhớ rằng họ có thể đề cập đến việc này với người quản lý tuyển dụng, vì vậy hãy đặt câu hỏi sao cho thật chuyên nghiệp.
- Điều thứ hai: để ý xem có dễ liên hệ với người quản lý tuyển dụng (và những người khác ở công ty) hay không. Trong thực tế, họ thường công khai số điện thoại hoặc địa chỉ email cá nhân trên hồ sơ LinkedIn. Nếu bạn nhận thấy xu hướng này thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy những người đó đang tìm kiếm cơ hội tuyển dụng khác.
Ngoài ra, bạn còn có thể tìm hiểu về doanh nghiệp trên Glassdoor. Hãy cân nhắc đến việc tạo 1 tài khoản trên trang web này nhé, vì nếu không thì bạn chỉ xem được điểm tổng thể và một bài đánh giá về các công ty thôi. Bạn cũng nên đọc tất cả các đánh giá về công ty mà mình ứng tuyển. Ngoài việc tìm hiểu thêm về bản chất của công ty, bạn có thể hiểu rõ về phong cách phỏng vấn, biết được những câu hỏi phỏng vấn tuyển dụng hàng đầu nào có thể được đưa ra và quyết định tuyển dụng thường được kết luận nhanh chóng ra sao. Hãy tìm kiếm các gợi ý nhé. Ví dụ: nếu các bài đánh giá nhấn mạnh tinh thần đồng đội là giá trị quan trọng của công ty, hãy chuẩn bị để nói về khả năng xây dựng nhóm và cộng tác trong các dự án phức tạp của mình.
Nếu bạn ứng tuyển vào một công ty giao dịch công khai thì hãy tìm và đọc báo cáo hàng năm của họ (Mẫu 10K). Bạn sẽ tìm thấy nó trên trang web của công ty. Tập trung vào phần “Thảo luận và phân tích của ban lãnh đạo”, nơi các nhà quản trị hàng đầu của công ty đề cập đến chuyên môn và những thách thức mà công ty có thể phải đối mặt.
2. Áp dụng những gì mình đã tìm hiểu được
Sau khi tìm hiểu xong thì hãy sử dụng những gì bạn đã thu thập được để suy nghĩ về những giá trị mà bạn có thể đem lại cho công ty và những gì hấp dẫn bạn. Bạn có thể chia ra thành 3 tiêu chí sau:
- Bạn thích điều gì ở doanh nghiệp này? Doanh nghiệp này có đang thực hiện một công việc nào đó mà bạn vô cùng quan tâm không? Đây có phải là một tổ chức đãi ngộ tốt không? Họ có một đội ngũ nhân viên ưu tú góp phần nâng cao chất lượng công việc không? Nếu bạn chưa biết câu trả lời, hãy tìm kiếm các thông cáo báo chí và bài báo gần đây về công ty. Hãy đọc xem là có điều gì khiến bạn hứng thú và nhiệt tình nếu làm việc ở đó không?
- Vị trí công việc đang ứng tuyển phù hợp với kinh nghiệm và kỹ năng của bạn ra sao? Nếu bạn chưa soạn xong một lá thư xin việc cho vị trí này thì bây giờ là thời điểm tốt để làm điều đó - ngay cả khi việc viết thư xin việc chỉ để giúp bạn chuẩn bị cho buổi phỏng vấn. Bởi lẽ việc xem kinh nghiệm và kỹ năng của mình và kinh nghiệm và kỹ năng mà doanh nghiệp yêu cầu khi ghi trên giấy sẽ giúp thể hiện bản thân một cách hiệu quả hơn.
- Làm thế nào để vị trí công việc này trở nên phù hợp với con đường sự nghiệp tổng thể của bạn? Bạn sẽ có cơ hội để phát triển chuyên môn thông qua đào tạo hoặc kèm cặp hay là qua việc hợp tác và học hỏi từ những người bạn ngưỡng mộ và tôn trọng không? Trong khi đang tìm kiếm việc làm, người ta thường quên rằng lương và phúc lợi sẽ không phải là yếu tố duy nhất dẫn đến sự hài lòng về lâu về dài. Nếu việc thành công trong vị trí công việc đang ứng tuyển này là một phần quan trọng trong kế hoạch phát triển nghề nghiệp thì bạn có nhiều khả năng sẽ nỗ lực hết mình và thấy được ý nghĩa đằng sau những ngày tháng khó khăn, vất vả của mình.
3. Khi trả lời câu hỏi phỏng vấn này, hãy trung thực
Chuẩn bị sẵn một số câu trả lời dựa trên những gì đã tìm hiểu được và những bản thân mình, nhưng phải thật chú ý nhé. Hãy cân nhắc xem điều gì về bản thân sẽ trở nên nổi bật dựa trên hoàn cảnh của buổi phỏng vấn? Bạn có cảm thấy mình được chào đón khi đến không? Các thành viên trong ban tuyển dụng có mối quan hệ tốt không và bạn có cảm thấy mình sẽ nhanh chóng hòa nhập không trong môi trường mới này không? Hãy áp dụng điều này khi trả lời để thể hiện rằng bạn không học thuộc câu trả lời từ trước mà thay vào đó là nói một cách hết sức tự nhiên như thể là đang nói chuyện bình thường.
4. Hãy nhớ rằng cuộc phỏng vấn là dành cho cả bạn và hội đồng tuyển dụng
Bạn cần cân nhắc lý do tại sao mình muốn làm việc ở đó và tại sao lại muốn vị trí công việc cụ thể này. Hãy thật khách quan và trung thực, nhưng cũng phải cho nhà tuyển dụng thấy lý do tại sao bạn là ứng cử viên tốt nhất qua câu trả lời của mình.
Phần lớn quy trình tuyển dụng được đánh giá là mang hơi hướng “nghệ thuật” hơn là mang yếu tố khoa học. Nếu bạn hỏi các nhà quản lý tuyển dụng khi họ đánh giá ứng viên, thường thì sẽ thấy một yếu tố vô hình tác động đến quyết định rằng ai được chọn vào vòng phỏng vấn cuối cùng và cuối cùng thì ai là người được tuyển.
Câu trả lời cho câu hỏi "Tại sao bạn muốn công việc này?" là cơ hội để bạn cho họ thấy lý do tại sao bạn sẽ rất hào hứng khi làm việc với họ và sự nhiệt tình đó có thể mang lại nhiều giá trị cho doanh nghiệp
5. Cuối cùng, đừng quá tiếc rẻ những gì mình đã chuẩn bị từ trước khi phỏng vấn nếu không được tuyển dụng
Bạn cần phải trả lời câu hỏi một cách trung thực và nói lên được những điều khiến bạn hài lòng về doanh nghiệp này, nhưng hãy nhớ - không có công việc nào là lý tưởng 100% cả và bạn sẽ không được làm ở vị trí công việc này cho đến khi doanh nghiệp đồng ý tuyển bạn. Thế nên mới nói rằng việc có thái độ nhiệt tình khi ứng tuyển vào một vị trí công việc là một chuyện và khả năng chấp nhận rằng bạn có thể sẽ không được tuyển chọn là một chuyện hoàn toàn khác.
Nếu vì lý do nào đó mà bạn không được tuyển chọn thì hãy nhắc lại sự hào hứng của bạn đối với doanh nghiệp và sứ mệnh của họ trong email cảm ơn - điều này để lại ấn tượng rất tốt. Sau đó thì lại tiếp tục tìm việc ở chỗ khác thôi. Việc có chuẩn bị từ trước và biết tự tìm tòi sẽ còn giúp ích cho bạn trong tương lai. Ngoài ra, bạn sẽ có thêm thông tin để bổ sung trong câu trả lời của mình trong các buổi phỏng vấn khác.
Quang Vinh - Theo TopResume
Nguồn: https://www.topresume.com/career-advice/how-to-answer-why-do-you-want-this-job
Xem thêm:
- Lời đáp cho câu hỏi “Điểm mạnh và điểm yếu của bạn là gì?” khi phỏng vấn
- Hướng dẫn trả lời câu hỏi phỏng vấn: “Hãy kể về bản thân mình”
Bài viết khác
Người trẻ muốn cai nghiện điện thoại nhưng không biết làm thế nào
Ngày đăng: 21/11/2024 - Lượt xem: 13
Người trẻ muốn cai nghiện điện thoại nhưng không biết làm thế nào
Xem thêm [+]5 việc giúp sinh viên có những năm tháng ý nghĩa ở trường đại học
Ngày đăng: 15/11/2024 - Lượt xem: 49
Để có thể nhanh chóng thích ứng với một giai đoạn học tập mới, tân sinh viên cần có sự chuẩn bị về tâm lý và kỹ năng.
Xem thêm [+]Không cộng điểm nghề xét tốt nghiệp THPT: 'Cần làm sớm, nhiều nước đã bỏ từ lâu'
Ngày đăng: 08/11/2024 - Lượt xem: 55
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc không cộng điểm khuyến khích chứng chỉ nghề vào xét tốt nghiệp THPT từ năm 2025 là phù hợp do Chương trình phổ thông 2018 không còn quy định hoạt động dạy nghề như chương trình cũ.
Xem thêm [+]ĐH Bách khoa Hà Nội công bố lịch thi đánh giá tư duy năm 2025
Ngày đăng: 02/11/2024 - Lượt xem: 80
ĐH Bách khoa Hà Nội công bố lịch thi đánh giá tư duy năm 2025
Xem thêm [+]Đề tiếng Anh tốt nghiệp THPT 2025 tăng độ khó, thí sinh luyện IELTS có lợi
Ngày đăng: 28/10/2024 - Lượt xem: 151
Đề tiếng Anh tốt nghiệp THPT 2025 tăng độ khó, thí sinh luyện IELTS có lợi
Xem thêm [+]Sinh viên Việt Nam đến New Zealand nhiều nhất trong 10 năm
Ngày đăng: 21/10/2024 - Lượt xem: 103
Sinh viên Việt Nam đến New Zealand nhiều nhất trong 10 năm
Xem thêm [+]10 đại học Mỹ dẫn đầu về mức lương của cựu sinh viên
Ngày đăng: 15/10/2024 - Lượt xem: 213
10 đại học Mỹ dẫn đầu về mức lương của cựu sinh viên
Xem thêm [+]Học nông nghiệp ra làm nghề gì?
Ngày đăng: 12/10/2024 - Lượt xem: 268
Học nông nghiệp ra làm nghề gì?
Xem thêm [+]Bộ Giáo dục đề xuất bốc thăm môn thi thứ ba vào lớp 10
Ngày đăng: 08/10/2024 - Lượt xem: 196
Bộ Giáo dục đề xuất bốc thăm môn thi thứ ba vào lớp 10
Xem thêm [+]Đại học Quốc gia TP HCM bỏ hai cách xét tuyển từ năm 2025
Ngày đăng: 07/10/2024 - Lượt xem: 246
Đại học Quốc gia TP HCM bỏ hai cách xét tuyển từ năm 2025
Xem thêm [+]Danh mục ngành nghề
Góc cuộc thi
- Không thi thực hành trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia 2021-2022
- Học sinh Việt vô địch cuộc thi Tin học văn phòng thế giới
- Sinh viên văn hóa đạt giải Nhất cuộc thi về ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo
- [Nghề nào cho em] Năng lực bản thân - Vũ khí của sự khác biệt
- [Nghề nào cho em] Đơn phương nghề báo
- [Nghề nào cho em] Ước mơ hay xu thế - lựa chọn con đường phía trước
- [Nghề nào cho em] Hành trình của những giấc mơ
- [Nghề nào cho em] Đại học có phải con đường duy nhất để dẫn đến thành công