[Nghề nào cho em] Kiểm toán - một nghề thú vị
Bạn biết không, không phải ai cũng may mắn có thể tự định hướng cho nghề nghiệp và tương lai sau này của mình ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Câu nói quen thuộc mà các cô cậu học trò cấp 1, cấp 2 vẫn thường nói với nhau là “Sau này tớ sẽ là một giáo viên đứng trên bục giảng”, “Sau này tớ sẽ là một bác sĩ để chữa bệnh cho mọi người” hay “Mình sẽ là một cảnh sát để bắt những người xấu”,…bởi lúc ấy trong thế giới nghề nghiệp của họ rất đơn giản, chỉ gồm những nghề mà họ gặp thường xuyên và phổ biến khi được mọi người xung quanh nhắc đến.
Thật ra, ở mỗi lứa tuổi khác nhau sẽ có cái nhìn khác nhau về phạm vi của thế giới. Cụ thể là, khi bạn 1 tuổi thế giới của bạn là gia đình, là cha mẹ nhưng khi đến tuổi cấp sách đến trường thì thế giới ấy còn có thêm thầy cô, bạn bè hay khi trải qua cơn sốt lạnh, bạn phát hiện trong thế giới của mình còn có thêm các vị bác sĩ, y tá và đến độ tuổi nào đó của sự trưởng thành, bạn sẽ thấy thế giới bạn đang ở có vô vàn ngành nghề, bạn sẽ thấy trường đại học bạn đang ước muốn bước vào có hàng trăm chương trình đào tạo cử nhân khác nhau.
Đó cũng là câu chuyện của bản thân tôi, của một thời đắn đo suy nghĩ sẽ theo học gì khi vào Đại học. Sau khi trải qua kì thi 2 trong 1 (Tốt nghiệp và Đại học), tôi đứng trước 2 sự lựa chọn sẽ học Luật hay Sư phạm Vật lý ở hai trường Đại học khác nhau, nhưng dường như may mắn không mỉm cười - tôi trượt ngành Luật, điều đó không có nghĩa là tôi đã theo học Sư phạm Vật lý vì…tôi đã nhận giấy báo đỗ đại học ngành Kiểm toán. Thật thú vị đúng không? Tôi phát hiện do mình nhầm lẫn trong lúc điền nguyện vọng xét tuyển, vô tình để ngành Kiểm toán sắp trước ngành Sư phạm Vật lý. Kiểm toán lúc đó là một khái niệm mơ hồ trong tôi, dù search có hàng trăm kết quả trên google vẫn không thể nào xác định được kiểm toán sẽ làm gì và học gì ngoại trừ một khái niệm len lỏi trong đầu rất dân gian “kiểm toán là đi kiểm tra kế toán”. Nhưng có một điều thực tế cuộc sống phải công nhận, bạn càng không biết thứ gì thì lại càng tò mò, càng muốn trải nghiệm, và tôi đã ôm cái tò mò đó vào trường Đại học để tìm cho bản thân mình câu trả lời “Kiểm toán là làm gì?”. Trải qua 4 năm với những bài học trên giảng đường và kinh nghiệm đi thực tập tại Công ty kiểm toán độc lập, tôi phát hiện ngành Kiểm toán thực sự quan trọng trong đời sống kinh tế và là một nghề thú vị.
Kiểm toán là một công cụ kiểm tra tính trung thực và hợp lý của báo cáo tài chính, cung cấp các thông tin tạo niềm tin cho người quan tâm. Nếu bạn có nghiên cứu về kinh tế thì sẽ dễ dàng nhận ra việc các doanh nghiệp một mặt phải bảo mật thông tin nhằm tăng tính cạnh tranh, mặt khác bắt buộc phải công bố các thông tin về tình hình kinh doanh và tài chính theo yêu cầu của luật pháp. Do đó nảy sinh yêu cầu đòi hỏi các doanh nghiệp cần phải được kiểm toán để vừa đảm bảo những thông tin tài chính cung cấp là trung thực và hợp lý, vừa đảm bảo tính bí mật thông tin trong doanh nghiệp. Công việc của kiểm toán viên khi tham gia vào một cuộc kiểm toán đó là kiểm tra chứng từ, sổ sách và việc sử dụng tài khoản kế toán kê khai của đơn vị được kiểm toán đã phản ánh đúng thực trạng tài chính thực tế hay chưa.
Kiến thức và kỹ năng của một Kiểm toán viên cần trang bị đó là kiến thức chuyên ngành (kế toán, kiểm toán, thuế,...), ngoại ngữ, kỹ năng sử dụng Excel và kỹ năng linh hoạt áp dụng lý thuyết vào thực tế. Nghề này thực sự phù hợp cho những ai có tư duy logic, có khả năng phán đoán và nhìn nhận sâu sắc vấn đề. Bản chất của các cuộc kiểm toán giống nhau ở đích đến đều nhằm đảm bảo thông tin tài chính là trung thực và hợp lý nhưng quá trình thực hiện sẽ khác nhau, bởi lẽ mỗi công ty có cách hoạt động và quy mô khác nhau dẫn đến sẽ có những vấn đề phát sinh khác nhau cần xử lý. Nếu nhân vật Conan là thám tử chuyên đi phá những vụ án hóc búa thường ngày thì Kiểm toán viên là những nhân vật đời thực chuyên soát xét số liệu, thông tin nhằm phát hiện ra những sai sót, gian lận mà các doanh nghiệp cố tình để làm đẹp báo cáo tài chính.
Mọi người thường cho rằng nghề Kiểm toán rất gian nan, cực khổ và chịu nhiều áp lực bởi những con số khô khan, những cái “deadline” cứ dồn dập không ngừng, những ngày thâu đêm để hoàn tất “working paper” (giấy tờ làm việc của kiểm toán viên),... Nhưng thử hỏi trong thế giới biến động không ngừng này có công việc nào, ngành nghề nào là không trải qua gian nan, vất vả? Có công việc nào làm ra tiền mà không thấm đẫm mồ hôi, không bỏ công sức và trí tuệ,...?. Kiểm toán là vậy, khi vào mùa kiểm toán (tức là những tháng cuối năm), các kiểm toán viên sẽ luôn rất bận rộn, tất bật để đi kiểm toán ở các công ty khách hàng và xử lí khối lượng lớn công việc nhưng khi vượt qua những tháng đó, thì khoảng thời gian còn lại trong năm sẽ nhẹ nhàng và dễ thở hơn nhiều, nhịp độ công việc chậm rãi và thưa thớt lại.
Giống như việc bạn gieo trồng hạt mầm, cũng sẽ trải qua những tháng ngày thăng trầm rồi mới hưởng được trái ngọt và sau vài năm làm kiểm toán bạn sẽ thấy mình học hỏi được rất nhiều thứ, ngoài phát triển kiến thức chuyên môn còn được trao luyện những kỹ năng xã hội giúp bản thân ngày càng tiến bộ hơn như: kỹ năng quản lí thời gian để thích nghi với lịch trình công việc, kỹ năng giao tiếp khi bạn phải thường xuyên gặp gỡ, trao đổi công việc với đơn vị được kiểm toán và đặc biệt là có được những mối quan hệ quý giá sau mỗi lần làm việc, dùng bữa với khách hàng thậm chí đó có thể là cơ hội đưa bạn đến với những cơ duyên tuyệt vời khác trong tương lai nếu không còn làm kiểm toán,...
Ngoài ra, một điều mà ngành kiểm toán luôn hấp dẫn, thú vị với những bạn trẻ đó là được đi đây đi đó, vi vu nhiều nơi và thăm thú nhiều vùng miền, trải nghiệm nhiều nền văn hóa khác nhau. Đặc thù của kiểm toán là phải đi công tác ở các tỉnh thành thường xuyên, dày đặc nên đó sẽ là cơ hội để vừa làm việc kết hợp với đi du lịch, thật là một trải nghiệm tuyệt vời mà khó tìm thấy ở những nghề khác.
Quả thật, kiểm toán chưa bao giờ là nghề nhàm chán vì sự thay đổi và linh hoạt trong công việc rất cao. Kiểm toán đến với tôi một cách rất bất chợt nhưng tôi chưa bao giờ hối hận vì đã dấn thân bước vào con đường trở thành kiểm toán viên này. Và tôi hy vọng những bạn trẻ đang tiếp bước để tiến vào cánh cửa đại học sẽ không bao giờ mang cảm giác hối tiếc về bất kì chuyện sai lầm nào của quá khứ, vì chưa chắc đó thực sự là “sai lầm”. Tôi rất tâm đắc một câu nói mà giảng viên môn Kiểm toán thường nói với lớp “Cuộc đời này, rủi ro không bao giờ bằng 0” vừa nhắc nhở thái độ hoài nghi nghề nghiệp phải luôn có khi thực hiện công việc kiểm toán vừa là bài học cho bản thân bởi lẽ phàm ở đời làm gì cũng có rủi ro, nhưng rủi ro lớn nhất chính là cái gì cũng không dám làm.
Vì thế, chúng ta phải học cách đối mặt với rủi ro thôi các bạn ơi! Nghề nghiệp là thứ sẽ theo ta suốt đời, nên việc chọn học cái gì và làm gì thì hãy nghe theo trái tim mách bảo, bởi chúng ta chỉ có thể gắn bó lâu dài với những thứ mình thích, chỉ có thể học tập một cách hiệu quả nhất về những thứ mình thật sự quan tâm nên hãy ĐỪNG và SẼ KHÔNG BAO GIỜ chọn nghề nghiệp theo lối mòn chạy theo bằng cấp, trào lưu xã hội.
Chúc các bạn chọn đúng ngành nghề mình muốn học, hãy theo đuổi để chinh phục được nó một cách hoàn hảo bạn nhé!
Dương Trần Nhiệp Nhàn
Hướng nghiệp GPO
Bài viết khác
Không thi thực hành trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia 2021-2022
Ngày đăng: 07/01/2022 - Lượt xem: 2982
Theo đó thí sinh thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm 2021-2022 ở 3 môn: Vật lý, Hóa học và Sinh học sẽ không thi thực hành
Xem thêm [+]Học sinh Việt vô địch cuộc thi Tin học văn phòng thế giới
Ngày đăng: 23/11/2021 - Lượt xem: 2620
Nguyễn Quốc Huy, lớp 12 THCS-THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội, giành huy chương vàng Microsoft Word 2016 tại cuộc thi Tin học văn phòng thế giới. Ngay bây giờ, hãy cùng Hướng nghiệp GPO tìm hiểu qua bài viết này nhé!
Xem thêm [+]Sinh viên văn hóa đạt giải Nhất cuộc thi về ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo
Ngày đăng: 16/10/2021 - Lượt xem: 2576
Với ý tưởng mang đến những bộ đồ với kiểu dáng mới lạ, sang trọng và thoải mái cho nữ giới thừa cân, sinh viên Khoa Văn hóa Du lịch, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội đã giành giải thưởng cao nhất của cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo dành cho nữ sinh viên năm 2021”. Hãy cùng Hướng nghiệp GPO tìm hiểu thêm về thông tin trên nhé.
Xem thêm [+][Nghề nào cho em] Năng lực bản thân - Vũ khí của sự khác biệt
Ngày đăng: 03/10/2020 - Lượt xem: 3799
Cuộc vật lộn về việc định hướng sự nghiệp, về con đường học vấn đã trở thành vấn đề của toàn xã hội.
Xem thêm [+][Nghề nào cho em] Đơn phương nghề báo
Ngày đăng: 01/10/2020 - Lượt xem: 4549
Mình sẽ kể cho mọi người nghe về một tình yêu...”ngộ” của mình.
Xem thêm [+][Nghề nào cho em] Ước mơ hay xu thế - lựa chọn con đường phía trước
Ngày đăng: 01/10/2020 - Lượt xem: 3226
Trẻ thơ như những chiếc mầm non mới nhú, trong trí óc chúng là những thứ bay bổng, bay bổng như những đám mây - bay mãi, bay mãi trên những nền trời xanh.
Xem thêm [+][Nghề nào cho em] Hành trình của những giấc mơ
Ngày đăng: 01/10/2020 - Lượt xem: 4975
Tôi ngồi phịch xuống bên bãi cỏ, nhắm mắt rõ chặt, tâm hồn lơ tơ mơ khi đó. Theo một bản năng được học của những hình tượng nghề nghiệp trong lớp Lá mầm non.
Xem thêm [+][Nghề nào cho em] Đại học có phải con đường duy nhất để dẫn đến thành công
Ngày đăng: 01/10/2020 - Lượt xem: 4658
Ngày nhập học, tôi háo hức và hồi hộp điền vào đơn xin nhập học. Dường như, tôi đã đặt tất cả niềm tin và hy vọng vào con đường mà tôi đã chọn.
Xem thêm [+][Nghề nào cho em] Để tôi kể bạn nghe về nghề tôi đang làm nhé!
Ngày đăng: 01/10/2020 - Lượt xem: 1900
Tôi không phải một người giỏi viết, và tôi đã lưỡng lự khá nhiều trước khi quyết định tham gia cuộc thi này, chia sẻ câu chuyện của mình.
Xem thêm [+][Nghề nào cho em] Nghề từ tâm
Ngày đăng: 30/09/2020 - Lượt xem: 1522
Tôi rất cảm ơn bản thân vì đã có dũng khí lựa chọn nghề này, đã đủ kiên định giữ lập trường khi bị ngăn cản. Chợt bên cửa sổ, tôi thấy bà mạnh khỏe, mọi người đều hạnh phúc, vây quanh cô gái mặc áo blouse trắng, cổ đeo ống nghe, mỉm cười với tôi.
Xem thêm [+]Danh mục ngành nghề
Góc cuộc thi
- Không thi thực hành trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia 2021-2022
- Học sinh Việt vô địch cuộc thi Tin học văn phòng thế giới
- Sinh viên văn hóa đạt giải Nhất cuộc thi về ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo
- [Nghề nào cho em] Năng lực bản thân - Vũ khí của sự khác biệt
- [Nghề nào cho em] Đơn phương nghề báo
- [Nghề nào cho em] Ước mơ hay xu thế - lựa chọn con đường phía trước
- [Nghề nào cho em] Hành trình của những giấc mơ
- [Nghề nào cho em] Đại học có phải con đường duy nhất để dẫn đến thành công