[Nghề nào cho em] Thư cho con
Con yêu thương của ba,
Thời gian trôi nhanh quá! Mới hôm nào ba mừng vui biết bao khi con chào đời, mới ngày nào con “lẩm đẩm” biết đi, rồi đi học mẫu giáo - mừng vui chạy đến sà vào lòng ba để ba ẵm mỗi khi ba đến trường đón con về. Và ba nhớ như in nét hớn hở, dáng tung tăng của con – mỗi lần được ba dẫn đi chơi đây đó vào những ngày cuối tuần – mỗi tuần là một chỗ mới.
Rồi con vào lớp 1, rồi con lên lớp 6, con thi lớp 10, và giờ đây – con đã tốt nghiệp trung học – nhìn con rạng ngời trong bộ lễ phục tốt nghiệp màu xanh đen với chiếc mũ tốt nghiệp tự tin kiêu hãnh – lòng ba chen lẫn mừng vui lẫn xúc động.
Bây giờ con hỏi ý kiến ba sẽ đi theo ngành nào, chọn nghề gì cho tương lai? Ba từ khi con còn nhỏ lúc nào cũng tôn trọng những suy nghĩ, lựa chọn rất riêng của con; bây giờ và luôn luôn cũng như thế con hãy chọn đi theo ngành nghề mà con yêu thích.
Ba chỉ kể con nghe vài chuyện sau đây, để con biết và… như là tư liệu để… tư vấn cho… quyết định của chính con.
Con biết không? Từ lúc ba còn tiểu học, bà nội hỏi ba sau này thích làm nghề gì? Ba trả lời không đắn đo: nghề điện. Bà nội hỏi tiếp: “Vì sao?” Ba nói: “Con muốn đem ánh sáng đến cho mọi nhà lúc đó ba chỉ nghĩ đơn giản là những bóng đèn điện đem ánh sáng xua tan màn đêm tăm tối…”
Theo ngày tháng, xong trung học, ba vào trường điện rồi theo nghề điện đã mấy chục năm nay, như con đã biết. Mỗi ngày qua công việc thực tế ba học hỏi thêm, bổ sung thêm kiến thức đã học ở trường lớp; đi khắp miền đất nước để những đường dây, trạm điện lần lượt hình thành và hiện diện khắp làng quê, thành thị…
Con biết không? Mỗi khi khánh thành, nghiệm thu đưa 1 đường dây hay trạm điện vào hoạt động ba đọc được niềm vui thật sự sáng lên trong mắt mỗi người dân làng quê nghèo nơi đó, nhất là của trẻ em vùng sâu vùng xa – lần đầu có ánh điện lan tới – những trẻ em tóc cháy vàng vì nắng, chân dép lê mòn gót, tập vở uốn cong trong bịch nilon vì không có cặp, chỉ có đôi mắt đen láy rạng ngời niềm ham muốn kiến thức qua những… con chữ.
Chính bằng chia sẻ những niềm vui đó, mà ba quên đi những nhọc nhằn của “chân cứng đá mềm”, những trằn trọc suy nghĩ suốt đêm xử lý những khó khăn kỹ thuật hoặc sự cố trong cuộc đời nghề nghiệp…
Ba có người bạn học tuổi nhỏ bây giờ theo nghề y làm bác sĩ giải phẫu. Một lần, ba đi công tác về đến nhà gần giữa khuya, nhận được điện thoại của người bạn này, rủ ba đi ăn khuya. Ba nói: “để hôm khác…”. Người bạn trả lời: “hôm khác mất… vui”.
“Lai rai” với nhau ở quán ăn khuya, ba chia sẻ niềm vui của người bạn và tin là mình đúng khi nhận lời “nhậu khuya” sau khi nghe câu “trần tình” của bạn: “tôi đứng mổ 6 tiếng, cứu được cả hai mẹ con, xong mới phôn cậu…” . Một nỗi vui mừng quá đẹp, một niềm vui đúng là… để hôm khác…mất…vui.
Vậy đó con: nghề nào cũng có cái hay, cái đẹp; và những niềm vui trong nghề làm mình đứng vững và thăng tiến trong nghề, những niềm vui làm cho mỗi nghề… đẹp thêm.
Để có được những niềm vui như thế - phải giỏi nghề - phải tháng ngày học và luyện trong nghề con à. Sách vở, giảng đường không đủ đâu con – chỉ giúp khi ra nghề biết lật “trang” nào của “sách” gì mà thôi! Con biết đó “kiến thức”, “biển học” là mênh mông bởi vậy mới có chuyên ngành, chuyên nghề khác nhau.
Người xưa thường nói: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” chọn nghề nào, theo nghề nào; phải thực hành và ôn luyện cho thiệt giỏi. Đâu có dễ, thời gian để tinh thông trong nghề tính bằng hàng chục năm tháng. Ba hay nói con nghe câu nói của Thomas Edison – ông tổ sáng chế bóng đèn điện và vô số phát minh: “…không có thiên tài, chỉ có 1 % là suy nghĩ cảm hứng và 99 % là mồ hôi nhọc nhằn”. Và con nhớ không, lúc con còn nhỏ ba đã thường “nhắc” con mỗi khi con hơi “nản” khi chưa tìm ra cách giải những bài tập khó: “there’s a will, there’s a way”; con thêm: ”there’s a win”. Ba mừng thầm vì con… thông minh, nhanh trí!
Ba có người bạn khác – thuở còn đi học, sáng dạ mau hiểu – do hoàn cảnh, học xong lớp 9 thì nghỉ, theo học nghề sửa chữa xe hơi. Bẳng đi mấy chục năm, nay mới có tin: đã định cư nước ngoài, mở “ga-ra” bảo trì, sửa chữa xe hơi, rất khá! Hỏi ra mới biết – lúc mới qua, xin vào làm thợ ở các hãng, “miệt mài” 15 năm, “học” và “làm” hết mọi bí quyết các cơ phận xe hơi – rồi xin nghỉ, mở cơ xưởng riêng. Con biết đó - ở Mỹ đâu dễ mở hãng xưởng – phải có “license”, phải có chứng nhận tay nghề, chứng nhận kiểm chuẩn máy móc dụng cụ; và hơn hết – dám “cạnh tranh” với các hãng xe đã có tuổi thọ trăm năm. Điều gì tạo nên thành công đó, nếu không phải là lòng kiên trì theo nghề, tinh thần luôn học hỏi cái hay, cái mới trong nghề, tinh thần tự tin khởi nghiệp…
Rồi dì Ba dưới quê – đâu cần học cao – chỉ theo nghề may, mà bây giờ có hai tiệm rất đông khách, nhân viên cả chục người, khách hàng nườm nượp vào ra. Đâu phải tự nhiên mà được - khởi nghiệp chỉ là một hiệu may nhỏ xíu, chủ kiêm luôn thợ; nhưng luôn luyện tay nghề, thông minh nắm bắt “gu” của khách hàng để cải tiến mẫu mã và cập nhật theo xu thế thời trang thay đổi từng ngày; hiếu khách, chiều lòng khách hàng, uy tín đúng hẹn,… Vậy là thành công!
Cô Sáu xóm mình – cũng vậy – có cao đẳng đại học gì đâu, chỉ theo nghề gia truyền làm bánh, mứt, kẹo. Vậy mà sau hàng chục năm siêng năng cần cù chịu khó, giờ đây có vài xưởng trong thành phố, công nhân gần trăm người, không chỉ “làm không kịp bán” ở thị trường trong nước, mà bắt đầu hợp đồng xuất sản phẩm để “có mặt” tại các siêu thị nước ngoài. Đâu phải dễ - phải nhẫn nại “lắng nghe và thấu hiểu” khẩu vị của mọi người: con nít, người lớn, nam, nữ, tuổi “teen” hay phụ lão; rồi “trần ai khoai củ” đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, giấy chứng nhận của các “lab” quốc tế; ngày ngày học hỏi, khám phá nhu cầu mới, thị trường mới, …
Kỹ thuật công nghệ thì sao? Hay quá chứ sao: thử hỏi không có tiến bộ vượt bậc của kỹ thuật và công nghệ thì đời sống nhân loại ngày nay ra sao? Làm gì có máy bay, điện thoại di động, facebook, messenger nhắn tin qua nửa vòng trái đất,…; phải chờ chực xếp hàng dài… cổ để mua một vé máy bay hay tàu hỏa, tàu điện; trong khi với công nghệ thời nay: ở nhà “book” vé, “check-in” và lấy “boarding pass” tại nhà; ra đến sân bay chỉ cần “show” mã đặt chỗ, vé điện tử là xong. Công nghệ giúp con người tiện lợi biết bao nhiêu!
Còn tài chính – ngân hàng? Xã hội loài người sẽ… dậm chân tại chỗ nếu không có những tiến triển vượt bậc của ngành này. Không có tiền thì không làm gì được, nhưng có tiền mà không biết làm gì thì… cũng như không. Tài chính - ngân hàng là 1 nghệ thuật huy động, sử dụng đồng tiền; biến “dòng tiền biết … đi; không – biết chạy, biết … nhảy múa” và khi quay lại – tiền “kéo về” những bạn bè, đồng minh của mình – là tiền hoặc cơ ngơi, máy móc, việc làm …
Nhưng đâu có dễ - phải có trí tuệ, bản lĩnh, mưu lược; bởi vì có “cạnh tranh” và có “luật pháp”: làm dở là bán nhà trả nợ; làm ẩu là “nhập kho”.
Nghề nào cũng quý, không có nghề này hay, nghề kia dở. Xã hội tạo ra nghề, nhu cầu của cộng đồng phân công nghề. Quan trọng nhất là chọn đúng nghề là một đời thành công. Thế nào là “đúng”? Thật khó định nghĩa và đặt tiêu chí cho lựa chọn “đúng nghề”, phải không con? Thôi thì tạm hiểu “đúng” là “hợp” với mình: hợp ý thích, hợp sở trường, hợp năng khiếu, hợp đam mê, hợp ý nguyện…
Đâu phải chọn nghề xong là thôi đâu – ai đã học qua trường nghề, cao đẳng, đại học, cao học … và ra đời làm việc đều “thấm” với 1 sự thật là: tất cả những gì đã học chỉ giúp chúng ta biết cách “lật trang nào”, “tra sách nào” “áp hệ số nào” “theo phương án nào” cho mỗi ứng dụng trong hàng ngàn trường hợp gặp phải trong thực tế làm việc. Như vậy, đâu phải học ra trường là xong đâu; phải học hoài, học mãi vì “biển học là mênh mông”, vì “kiến thức là vô tận”; vì khoa học, kỹ thuật, công nghệ, thời đại, thay đổi không ngừng. Và con hãy nhớ - trong biển học mênh mông đó – ngoại ngữ giỏi - là không thể thiếu! Không giỏi ngoại ngữ - mà bây giờ là Anh ngữ - con chỉ loay hoay trong 1 hồ nước cạn mà thôi.
Theo ba thì đam mê trong nghề là quan trọng vì đam mê hâm nóng ý chí, rồi đam mê cùng ý chí tạo ra năng lượng rồi truyền năng lượng đó cho mình vượt qua khó khăn, nản lòng hoặc thất bại. Sống với nghề, bằng nghề mà không có đam mê thì chắc chắn không giỏi nghề, không thành công với nghề.
Một điều nữa – ba muốn dặn con – muốn thành công trong nghề, trong đời - cần có “tự tin”. Mà để có tự tin: con phải giỏi; muốn giỏi: con phải nắm được “bí quyết” của nghề. Không có cách nào khác hơn là học nữa, học mãi, học đến khi con cảm thấy con…vững tin với… mình, với…nghề.
Vậy thì – tiến tới đi con – chọn nghề chọn ngành đúng với sở thích, đam mê của con. Ba ủng hộ con 2 tay – như lúc nào cũng vậy – vì ba biết những suy nghĩ của con rất kỹ càng, độc lập và tự tin. Chỉ nhắc thêm con rằng: bền chí con nhé, luôn nuôi dưỡng tâm ý bằng tâm thế tích cực để giúp đời, giúp cộng đồng, giúp xã hội.
Mạnh dạn lên tàu khởi hành đi con – ba đang nhìn con đây và luôn dõi theo con – và hãy tự tin ra khơi, con của ba!
Thiên Đức
Bài viết khác
Không thi thực hành trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia 2021-2022
Ngày đăng: 07/01/2022 - Lượt xem: 3068
Theo đó thí sinh thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm 2021-2022 ở 3 môn: Vật lý, Hóa học và Sinh học sẽ không thi thực hành
Xem thêm [+]Học sinh Việt vô địch cuộc thi Tin học văn phòng thế giới
Ngày đăng: 23/11/2021 - Lượt xem: 2787
Nguyễn Quốc Huy, lớp 12 THCS-THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội, giành huy chương vàng Microsoft Word 2016 tại cuộc thi Tin học văn phòng thế giới. Ngay bây giờ, hãy cùng Hướng nghiệp GPO tìm hiểu qua bài viết này nhé!
Xem thêm [+]Sinh viên văn hóa đạt giải Nhất cuộc thi về ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo
Ngày đăng: 16/10/2021 - Lượt xem: 2625
Với ý tưởng mang đến những bộ đồ với kiểu dáng mới lạ, sang trọng và thoải mái cho nữ giới thừa cân, sinh viên Khoa Văn hóa Du lịch, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội đã giành giải thưởng cao nhất của cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo dành cho nữ sinh viên năm 2021”. Hãy cùng Hướng nghiệp GPO tìm hiểu thêm về thông tin trên nhé.
Xem thêm [+][Nghề nào cho em] Năng lực bản thân - Vũ khí của sự khác biệt
Ngày đăng: 03/10/2020 - Lượt xem: 3878
Cuộc vật lộn về việc định hướng sự nghiệp, về con đường học vấn đã trở thành vấn đề của toàn xã hội.
Xem thêm [+][Nghề nào cho em] Đơn phương nghề báo
Ngày đăng: 01/10/2020 - Lượt xem: 4620
Mình sẽ kể cho mọi người nghe về một tình yêu...”ngộ” của mình.
Xem thêm [+][Nghề nào cho em] Ước mơ hay xu thế - lựa chọn con đường phía trước
Ngày đăng: 01/10/2020 - Lượt xem: 3292
Trẻ thơ như những chiếc mầm non mới nhú, trong trí óc chúng là những thứ bay bổng, bay bổng như những đám mây - bay mãi, bay mãi trên những nền trời xanh.
Xem thêm [+][Nghề nào cho em] Hành trình của những giấc mơ
Ngày đăng: 01/10/2020 - Lượt xem: 5146
Tôi ngồi phịch xuống bên bãi cỏ, nhắm mắt rõ chặt, tâm hồn lơ tơ mơ khi đó. Theo một bản năng được học của những hình tượng nghề nghiệp trong lớp Lá mầm non.
Xem thêm [+][Nghề nào cho em] Đại học có phải con đường duy nhất để dẫn đến thành công
Ngày đăng: 01/10/2020 - Lượt xem: 4739
Ngày nhập học, tôi háo hức và hồi hộp điền vào đơn xin nhập học. Dường như, tôi đã đặt tất cả niềm tin và hy vọng vào con đường mà tôi đã chọn.
Xem thêm [+][Nghề nào cho em] Để tôi kể bạn nghe về nghề tôi đang làm nhé!
Ngày đăng: 01/10/2020 - Lượt xem: 1966
Tôi không phải một người giỏi viết, và tôi đã lưỡng lự khá nhiều trước khi quyết định tham gia cuộc thi này, chia sẻ câu chuyện của mình.
Xem thêm [+][Nghề nào cho em] Nghề từ tâm
Ngày đăng: 30/09/2020 - Lượt xem: 1557
Tôi rất cảm ơn bản thân vì đã có dũng khí lựa chọn nghề này, đã đủ kiên định giữ lập trường khi bị ngăn cản. Chợt bên cửa sổ, tôi thấy bà mạnh khỏe, mọi người đều hạnh phúc, vây quanh cô gái mặc áo blouse trắng, cổ đeo ống nghe, mỉm cười với tôi.
Xem thêm [+]Danh mục ngành nghề
Góc cuộc thi
- Không thi thực hành trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia 2021-2022
- Học sinh Việt vô địch cuộc thi Tin học văn phòng thế giới
- Sinh viên văn hóa đạt giải Nhất cuộc thi về ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo
- [Nghề nào cho em] Năng lực bản thân - Vũ khí của sự khác biệt
- [Nghề nào cho em] Đơn phương nghề báo
- [Nghề nào cho em] Ước mơ hay xu thế - lựa chọn con đường phía trước
- [Nghề nào cho em] Hành trình của những giấc mơ
- [Nghề nào cho em] Đại học có phải con đường duy nhất để dẫn đến thành công