Tăng hay giảm phương thức xét tuyển cần đảm bảo công bằng cho các thí sinh
Công tác tuyển sinh năm 2023 theo chuyên gia giáo dục cần được đảm bảo tính minh bạch, công bằng, đánh giá được thực chất.
Theo tổng hợp từ kỳ tuyển sinh năm 2022, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, có tới 20 phương thức tuyển sinh do các trường đề xuất lên, có nhiều phương thức không hiệu quả, thậm chí gây mất công bằng.
Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra lưu ý, các trường đại học nên xem xét giảm phương thức tuyển sinh, theo hướng phương thức nào ít tác dụng thì tinh giản.
Các trường nên xem xét sử dụng phỏng vấn trên cơ sở khai thác những lợi ích của phương thức này
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề trên, chuyên gia giáo dục, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hạ Ni cho rằng, nhiều người có lẽ sẽ thấy rối loạn khi nhìn vào 20 mã phương thức xét tuyển mà thí sinh phải chọn khi tham gia đăng ký nguyện vọng trên hệ thống trực tuyến của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, hiện nay các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam sử dụng 2 phương thức tuyển sinh chủ yếu: (1) Xét tuyển; (2) Kết hợp xét tuyển và thi tuyển.
Xét tuyển bao gồm: xét tuyển ưu tiên (theo Quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc theo Đề án của cơ sở đào tạo); xét tuyển bằng kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; xét tuyển bằng kết quả học tập trung học phổ thông.
Kết hợp xét tuyển và thi tuyển bao gồm: xét tuyển sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông kết hợp thi tuyển môn năng khiếu; xét tuyển sử dụng kết quả học tập trung học phổ thông kết hợp thi tuyển môn năng khiếu; xét tuyển sử dụng kết quả học tập trung học phổ thông kết hợp thi đánh giá năng lực chuyên biệt.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Hạ Ni, khi bàn về sự tinh giản hay phát triển các phương thức xét tuyển, chúng ta nên đặt nguyên tắc cơ bản trong tuyển sinh là công bằng với thí sinh. Một hệ thống tuyển sinh công bằng cần bảo vệ và ưu tiên quyền lợi của thí sinh, bất kể lợi ích của cơ sở đào tạo là gì.
“Tôi đồng tình với quan điểm “các phương thức tuyển sinh cần được thay đổi sao cho tinh gọn, đến năm 2023 thí sinh không cần phải lựa chọn phương thức nữa, chỉ cần chọn ngành, chương trình đào tạo” của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tuy nhiên, điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là quy trình tuyển sinh công bằng và minh bạch được quyết định không chỉ bởi sự lựa chọn phương án đánh giá thí sinh mà còn bởi cách thức thực hiện quy trình đó.
Khi đánh giá thành tích và tiềm năng của thí sinh, các trường có thể xem xét các yếu tố khác ngoài kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, chẳng hạn như kết quả kiểm tra hoặc đánh giá bổ sung, bao gồm các cuộc phỏng vấn, hoặc kinh nghiệm ngoài học thuật và các kỹ năng liên quan của thí sinh; cân nhắc về kinh nghiệm, kỹ năng và quan điểm của từng thí sinh có thể đóng góp như thế nào cho môi trường học tập và khả năng hoàn thành chương trình đào tạo.
Không những vậy, ở bất kỳ giai đoạn nào trong trong quy trình tuyển sinh, tất cả các thí sinh đều phải có cơ hội bình đẳng để cung cấp thông tin liên quan hoặc thể hiện các kinh nghiệm, kỹ năng liên quan”, Tiến sĩ Hạ Ni nói.
Cũng theo Tiến sĩ Hạ Ni, để công tác tuyển sinh được công bằng và có chất lượng tốt hơn, các trường nên sử dụng các phương thức đánh giá như: Phỏng vấn; Thể hiện kỹ năng thực tế hoặc kỹ năng nghề nghiệp; Bài luận; Bài kiểm tra năng lực chung hoặc năng lực chuyên biệt (theo chủ đề hay môn học cụ thể); Bài kiểm tra năng lực lý luận phản biện chung hoặc chuyên biệt (theo chủ đề hay môn học cụ thể).
Chuyên gia giáo dục, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hạ Ni
Ngành giáo dục, cơ sở đào tạo có thể coi các phương thức trên là đánh giá bổ sung hoặc đánh giá chủ yếu tùy theo chương trình đào tạo. Khi thực hiện các phương thức đánh giá trên, cơ sở đào tạo sẽ cần giải quyết các vấn đề như: (1) Chứng minh rằng phương pháp đánh giá hoặc loại bài kiểm tra là đáng tin cậy và hợp lệ; (2) Cán bộ, nhân viên tuyển sinh được đào tạo phù hợp; và (3) Thí sinh được hướng dẫn rõ ràng về mục đích, yêu cầu đánh giá của cơ sở đào tạo và cách thức chuẩn bị.
“Trong khi phỏng vấn ít được sử dụng trong tuyển sinh đại học ở Việt Nam, thì ở các nước phát triển, phỏng vấn rất thường được dùng để xét tuyển ứng viên vào các chương trình đào tạo đại học.
Theo tôi, các trường nên xem xét sử dụng phỏng vấn trên cơ sở khai thác những lợi ích của nó. Bởi phương thức phỏng vấn chú trọng sự tương tác cá nhân sâu sắc với các thí sinh. Các cuộc phỏng vấn là một quá trình hai chiều và có ý nghĩa quan trọng đối với các thí sinh trong việc lựa chọn trường, ngành, chương trình học.
Phương thức phỏng vấn thường được sử dụng để đánh giá sự phù hợp với một ngành nghề, đặc biệt là ngành sư phạm, y khoa và khoa học sức khỏe.
Ví dụ cách tuyển sinh ngành sư phạm ở Anh, bên cạnh với những yêu cầu “cứng” về mặt học thuật, ứng viên ngành sư phạm cần đáp ứng một số vấn đề khác gồm kinh nghiệm trường học, sức khỏe và lý lịch tư pháp. Các đơn vị đào tạo giáo viên sẽ yêu cầu ứng viên có tối thiểu 2 tuần kinh nghiệm trong lớp học và khuyến nghị ứng viên làm việc hoặc tham gia tình nguyện ở trường phổ thông hết mức có thể.
Để được chấp nhận vào khóa đào tạo giáo viên, ứng viên phải vượt qua một cuộc phỏng vấn. Thông qua phỏng vấn, ứng viên cần thể hiện các phẩm chất của người giáo viên và các vấn đề cụ thể liên quan đến công việc giáo dục. Tóm lại, ngoài điểm học phổ thông chỉ để thỏa mãn yêu cầu tối thiểu, người học còn cần bằng cấp chuyên môn phù hợp, kinh nghiệm trường học, đủ sức khỏe, lý lịch tư pháp sạch và vượt qua vòng phỏng vấn là những yếu tố đảm bảo đầu vào tốt cho ngành sư phạm ở Anh.
Ví dụ trên gợi ý cho chúng ta về phương thức tuyển sinh phù hợp ở một số trường, ngành sư phạm và cả một số ngành khác ở Việt Nam”, Tiến sĩ Hạ Ni nói.
Cũng theo chuyên gia giáo dục, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hạ Ni, một điểm quan trọng nữa cần lưu ý để đảm bảo công bằng trong công tác tuyển sinh là hệ thống tuyển sinh phải minh bạch với thí sinh và với xã hội.
Do vậy, cô Hạ Ni đề xuất rằng, các trường đại học nên cung cấp thông tin mới nhất hiện có về trình độ đầu vào của các ứng viên được chấp nhận trong mỗi khóa học, những điều này nhằm so sánh với yêu cầu đầu vào cũng như nhìn được những yêu cầu này thay đổi như thế nào trong suốt quá trình học.
Bên cạnh đó, các trường đại học còn cần theo dõi và đánh giá mối liên hệ giữa các chính sách tuyển sinh của mình với hiệu suất và tỷ lệ giữ chân sinh viên, đồng thời đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo và dịch vụ hỗ trợ người học.
Cuối cùng, ngành giáo dục cần có thông tin về thủ tục phản hồi và khiếu nại cho các thí sinh tham gia. Bộ Giáo dục và Đào tạo, các tổ chức nên tiến hành và xuất bản một phân tích định kỳ về dữ liệu tuyển sinh và cung cấp phản hồi theo yêu cầu cho những thí sinh không thành công.
Đa dạng phương thức xét tuyển cũng nhiều thuận lợi cho thí sinh
Cũng bàn về công tác tuyển sinh đại học năm 2023, Tiến sĩ Phạm Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm đào tạo theo nhu cầu xã hội, Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh - Đại học Thái Nguyên nêu ý kiến:
“Theo tôi, việc có nhiều phương thức xét tuyển vừa để khuyến khích người học, vừa giúp các trường có thêm cơ hội tuyển đủ số lượng sinh viên theo chỉ tiêu được giao. Không những vậy, việc có đa dạng phương thức xét tuyển cũng mang lại nhiều thuận lợi cho các thí sinh.
Ví dụ như các bạn thí sinh không may điểm thi tốt nghiệp không cao nhưng các bạn có điểm thi chứng chỉ tiếng Anh Ielts cao, có 3 năm học sinh giỏi thì lại có cơ hội được xét tuyển thẳng vào trường, có cơ hội nhận học bổng cao”.
Bên cạnh đó, thầy Hoàng cũng cho biết thêm, năm 2022, Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh - Đại học Thái Nguyên có sử dụng 4 phương thức xét tuyển là xét tuyển thẳng học sinh giỏi 3 năm cấp trung học phổ thông, xét tuyển qua kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, xét tuyển qua kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia, xét học bạ.
Trong đó, phương thức lựa chọn xét tuyển kết quả học tập (xét học bạ) được các thí sinh lựa chọn nhiều nhất. Phương thức xét tuyển theo kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội thì không được mấy thí sinh lựa chọn.
“Phương thức xét tuyển theo kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội được đặt ra để đa dạng cách xét tuyển nhưng hầu như thí sinh có tham dự kỳ thi Đánh gia năng lực đều sử dụng kết quả, nộp hồ sơ vào các trường trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội chứ ít lựa chọn vào các trường khác”, thầy Hoàng chia sẻ.
Bên cạnh đó, về đề xuất không tổ chức xét tuyển đại học sớm năm 2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thầy Hoàng cũng cho biết, việc xét tuyển sớm như năm 2022 vừa qua của trường không gặp vấn đề khó khăn gì mà ngược lại, có nhiều thuận lợi.
“Trước hết, khi xét tuyển sớm thì trường có thể xác định được một lượng thí sinh đã đăng ký vào trước để từ đó định hình, xác định phương thức, phân chia tỷ lệ chỉ tiêu tuyển sinh theo từng phương thức cho phù hợp.
Thứ hai, tổ chức xét tuyển sớm thì các trường sẽ có cơ hội tiếp cận sớm hơn với các em học sinh để nắm bắt được mục tiêu, mong muốn, dự định để tư vấn tốt nhất cho các em, giúp các em xác định được năng lực của mình phù hợp với ngành học nào của trường cũng như chắc chắn hơn về cơ hội của mình.
Hơn nữa, nếu tổ chức xét tuyển đồng loạt thì phải hết đợt xét tuyển đầu, học sinh không đỗ nguyện vọng 1, mới xem xét nộp nguyện vọng tiếp theo vào các trường tốp 2, tốp 3 nên chính bản thân các em không được được tiếp cận thông tin sớm về nhà trường, do đó, sinh ra nhiều bất cập trong công tác xét tuyển”, thầy Hoàng nói.
Cũng theo thầy Hoàng, năm 2022, công tác tuyển sinh của trường gặp khá nhiều khó khăn, số lượng sinh viên vào học đạt hơn 83% chỉ tiêu. Nhiều em học sinh không biết đăng ký thế nào trên cổng thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo do chưa được hướng dẫn kỹ.
Vì vậy, Tiến sĩ Phạm Minh Hoàng mong rằng, dù với quy định nào đưa ra thì Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có hướng dẫn cụ thể, sát sao cho các cơ sở giáo dục trung học phổ thông, đại học để công tác tuyển sinh được diễn ra có nhiều thuận lợi nhất có thể.
Hơn nữa, Giám đốc Trung tâm đào tạo theo nhu cầu xã hội, Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh - Đại học Thái Nguyên cũng mong Bộ cần đảm bảo tính công bằng trong việc tuyển sinh giữa các trường đại học. Như các trường đại học tốp 1 chỉ được tuyển đúng và đủ số lượng chỉ tiêu để tránh ảnh hưởng đến chỉ tiêu của các trường tốp 2, tốp 3 và đặc biệt là cơ hội học tập của các em học sinh.
Theo giaoduc.net.vn
Bài viết khác
Người trẻ muốn cai nghiện điện thoại nhưng không biết làm thế nào
Ngày đăng: 21/11/2024 - Lượt xem: 23
Người trẻ muốn cai nghiện điện thoại nhưng không biết làm thế nào
Xem thêm [+]Không cộng điểm nghề xét tốt nghiệp THPT: 'Cần làm sớm, nhiều nước đã bỏ từ lâu'
Ngày đăng: 08/11/2024 - Lượt xem: 59
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc không cộng điểm khuyến khích chứng chỉ nghề vào xét tốt nghiệp THPT từ năm 2025 là phù hợp do Chương trình phổ thông 2018 không còn quy định hoạt động dạy nghề như chương trình cũ.
Xem thêm [+]Đề tiếng Anh tốt nghiệp THPT 2025 tăng độ khó, thí sinh luyện IELTS có lợi
Ngày đăng: 28/10/2024 - Lượt xem: 159
Đề tiếng Anh tốt nghiệp THPT 2025 tăng độ khó, thí sinh luyện IELTS có lợi
Xem thêm [+]Bộ Giáo dục đề xuất bốc thăm môn thi thứ ba vào lớp 10
Ngày đăng: 08/10/2024 - Lượt xem: 200
Bộ Giáo dục đề xuất bốc thăm môn thi thứ ba vào lớp 10
Xem thêm [+]Đại học Quốc gia TP HCM bỏ hai cách xét tuyển từ năm 2025
Ngày đăng: 07/10/2024 - Lượt xem: 250
Đại học Quốc gia TP HCM bỏ hai cách xét tuyển từ năm 2025
Xem thêm [+]Điểm mới trong đề thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội từ 2025
Ngày đăng: 30/09/2024 - Lượt xem: 114
GS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội cho hay, các học sinh cần lưu ý một số điểm mới về đề thi đánh giá năng lực (HAS) từ năm 2025.
Xem thêm [+]Hàng loạt đại học hot giảm chỉ tiêu xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT
Ngày đăng: 30/09/2024 - Lượt xem: 104
Từ năm 2025, nhiều trường đại học dự kiến điều chỉnh phương án tuyển sinh, trong đó giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.
Xem thêm [+]Tăng tỷ lệ điểm học bạ trong xét tốt nghiệp THPT: Con dao 'hai lưỡi'?
Ngày đăng: 30/09/2024 - Lượt xem: 96
Hướng tăng tỷ lệ điểm học bạ trong xét công nhận tốt nghiệp THPT lên thành 50% từ năm 2025 mà Bộ GD-ĐT dự kiến đem đến nhiều ý kiến trái chiều. Chuyên gia cho rằng đây là ‘con dao hai lưỡi’ khi có thể tiếp tục tạo đà cho việc ‘lạm phát’ điểm học bạ.
Xem thêm [+]Tuyển sinh 2023: Xét học bạ sớm, giành suất vào đại học
Ngày đăng: 19/05/2023 - Lượt xem: 2981
Nhiều phụ huynh có con học lớp 12 đánh giá cao hình thức nộp hồ sơ bằng phương thức học bạ, giúp thí sinh giảm áp lực thi cử, tăng cơ hội trúng tuyển đại học.
Xem thêm [+]Cẩn thận… 'trắng tay' với xét tuyển sớm
Ngày đăng: 10/05/2023 - Lượt xem: 3906
Theo quy định, trước 17 giờ 00 ngày 8/7, các cơ sở đào tạo mới phải hoàn thành công tác xét tuyển sớm.
Xem thêm [+]Danh mục ngành nghề
Góc cuộc thi
- Không thi thực hành trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia 2021-2022
- Học sinh Việt vô địch cuộc thi Tin học văn phòng thế giới
- Sinh viên văn hóa đạt giải Nhất cuộc thi về ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo
- [Nghề nào cho em] Năng lực bản thân - Vũ khí của sự khác biệt
- [Nghề nào cho em] Đơn phương nghề báo
- [Nghề nào cho em] Ước mơ hay xu thế - lựa chọn con đường phía trước
- [Nghề nào cho em] Hành trình của những giấc mơ
- [Nghề nào cho em] Đại học có phải con đường duy nhất để dẫn đến thành công