Giáo dục vẫn thiếu tư duy lý tính
Nặng lòng với văn chương, sân khấu, song, là giảng viên đại học, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái có sự bao quát và luôn trăn trở về vấn đề đổi mới giáo dục hiện nay. Bà cho rằng, chúng ta vẫn thiếu một loại tư duy lý tính - rất cần cho sự phát triển hiện đại của xã hội Việt Nam, nhằm giao lưu, tiếp biến, hội nhập với văn hóa phát triển của toàn cầu. Phải chăng đó cũng là yêu cầu và thách thức sự đổi mới và phát triển của giáo dục ở Việt Nam. Ngay bây giờ, hãy cùng Hướng nghiệp GPO tìm hiểu và cập nhập vấn đề này nhé!
PV: Thưa bà, có ý kiến cho rằng, cách đổi mới về phương pháp dạy trong các trường Đại học hiện nay đa số theo kiểu “bình cũ rượu mới”? Khi thảo luận thì sinh viên ít phát biểu, máy chiếu thì thay thế cho việc đọc chép thuận lợi hơn… Những thay đổi đó hầu như đều là thay đổi kỹ thuật. Như vậy vẫn là tình trạng thầy đọc, trò chép. Còn vấn đề quan trọng nhất, là thay đổi tư duy giáo dục nhằm đào tạo ra những con người tự do, chủ động, sáng tạo, có trách nhiệm, từ đó dẫn đến một loạt thay đổi khác về phương pháp, chương trình học… lại chưa được bộ chủ quản chú trọng. Hiện đang là giảng viên thỉnh giảng của mấy trường Đại học văn hóa - nghệ thuật - báo chí truyền thông, bà suy nghĩ thế nào về vấn đề này?
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái: Tôi tham gia giáo dục đào tạo đại học và sau đại học về lĩnh vực văn hóa văn nghệ. Tôi thấy ở trường đại học nào cũng chỉ có 2 nhân vật chính: thầy (giảng viên) và trò (sinh viên)…Trên mức sinh viên là học viên cao học, trên nữa là nghiên cứu sinh. Ở đại học, thường đào tạo 3 cấp, một, là đào tạo Cử nhân, hai là đào tạo Thạc sĩ, ba là đào tạo Tiến sĩ. Với 3 tấm bằng tương ứng: bằng Cử nhân, Thạc sĩ và Tiến sĩ. Giáo dục đại học và trên đại học, về nguyên tắc, tôi thấy vẫn tập trung vào 2 nhân vật người thầy và người trò, tức là sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh.
Hiện nay có một vấn đề của giáo dục đại học, là: về căn bản, học đại học vẫn giống như cấp 3 nối dài. Cách dạy của thầy, về căn bản, vẫn là đọc chép, trò về căn bản là ghi chép theo lời thầy đọc, dù cả hai cách này, hiện đã được công nghệ thông tin hỗ trợ nhiều. Nhất là về khoa học xã hội nhân văn thì tôi thấy thật khó chịu đựng nổi chuyện “thầy đọc – trò ghi” này. Có thể thấy hình ảnh thầy cô đọc véo von, liền sau đó trò lại ghi chép cặm cụi và thuộc lòng. Thầy quen đọc giáo trình, trò cũng ghi chép theo thầy và sau đó cố gắng thuộc lòng. Vì việc học thuộc lòng biến giáo dục đại học thành một khu vực vô cảm về lý thuyết.
Và hệ lụy của đọc – chép là gì, thưa bà?
“Mọi lý thuyết đều là màu xám – chỉ cây đời là mãi mãi xanh tươi” – Đại thi hào Goethe đã nói, và những lý thuyết ấy nếu không được hấp thụ, sẽ đóng băng, khi ra trường sẽ dẫn đến nạn thất nghiệp trầm trọng của các cử nhân. Đó là một vấn nạn của xã hội hiện đại và cũng là hiện thực đầy thách thức của phát triển giáo dục và đào tạo. Chúng ta không thể trốn tránh và không thể không gọi sự vật bằng tên. Sinh viên tốt nghiệp trường đại học tự nhiên và xã hội, nhất là sinh viên thuộc ngànhkhoa học xã hội và nhân văn, đếu khó kiếm việc làm, tỉ lệ thất nghiệp cao...
Ví dụ như các trường đại học có khoa Ngữ văn, như trường Đại học Sư phạm, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, có tổ chức lớp chuẩn bị vào đại học là lớp 12, nhằm tạo nguồn cho các trường đại học có khu vực đào tạo Ngữ văn. Cách học theo bài văn mẫu, học kiểu thuộc lòng, đã gây ra những bi kịch. Khi trông thi cho thí sinh thi vào đại học, nhìn xuống sân trường, thấy trắng xóa phao thi, tôi buồn không thể tả. Tôi từng là cán bộ giảng dạy trường Đại học Văn hóa TPHCM, sau chuyển vùng ra Hà Nội, giảng dạy ở khoa Báo chí (nay là Viện Đào tạo Báo chí và truyền thông, thuộc Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, và nguyên là cử nhân văn chương khoá 13 (1968-1972) – khoá 13, con số bị coi là thiếu may mắn, nhưng lớp tôi có khá nhiều người thành đạt).
Trước khi vào Đại học, được biết bà được 2 giải thưởng học sinh giỏi văn danh giá?
Với tôi, năm 1968 là một kỷ niệm buồn. Bố tôi làm việc ở Đoàn Ca nhạc thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam, thời điểm đó văn nghệ sĩ của Đài đều đưa con sơ tán lên làng Nga Mi, cạnh sông Cầu, thuộc huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Tôi học trường cấp III Phú Bình, năm học lớp 10 cuối cấp 1968, tôi đi thi Văn cấp tỉnh, đoạt giải Nhất môn văn học của tỉnh Thái Nguyên. Sau đó tôi tiếp tục thi Văn toàn miền Bắc và cũng đoạt giải Nhất. Chấm giải Nhất văn toàn miền Bắc, nhìn bài thi của tôi, người chấm thi đặt câu hỏi có nên cho giải Nhất? Vì không tin một cô học sinh lớp 10 mà viết “văn hay chữ tốt” đến đáng kinh ngạc như thế?
Sau này, tôi được biết Thanh tra của Bộ GDĐT đã từ Hà Nội lên tận trường Phú Bình nơi tôi học. Thầy Bùi Ngọc Tám - Hiệu trưởng lúc đó đã giải thích với Thanh tra, cô học sinh lớp 10 này là một trong nhóm con em của Đoàn Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, theo bố mẹ là nhạc sĩ, ca sĩ từ Hà Nội lên đây sơ tán, chứ không phải người gốc địa phương huyện Phú Bình, Thái Nguyên. Thanh tra đề nghị thầy hiệu trưởng cho xem vở ghi chép môn Văn của tôi. Thấy không khác lạ. Cuối cùng, những vị chấm thi môn Văn toàn miền Bắc đã “cẩn thận” cho tôi giải Nhì (Không có giải nhất). Giải Nhì thì an toàn. (Cười).
Thời điểm đó, tôi cũng được đưa vào danh sách du học ở khoa Văn học, trường Lomonosov của Liên xô (CCCP). Nhưng chuyện du học bị ách lại vì một vài trục trặc từ phía bạn. Rồi tôi được xếp vào học tại Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Thực lòng, tôi muốn xin đi làm phóng viên chiến trường, nhưng bố tôi không đồng ý. Bố tôi bảo, con yêu thích môn Văn thì nên ở lại học, vì gia đình đã có 3 em trai sẽ đi bộ đội, khi đủ tuổi tuyển quân. Nghe lời bố, tôi vào học khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, ngôi trường đại học danh tiếng nhất thời bấy giờ, với 2 giải thưởng văn học của lớp 10.
Nhưng, khi vào Đại học Tổng hợp, tôi lại tiếp tục thiếu may mắn. Chuyện thế này, ở Đại học Tổng hợp có khoa Địa lý - địa chất, lúc đó thầy Triển trưởng khoa muốn dựng lịch sử của khoa này. Thầy Triển nhờ thầy Hiệu trưởng Ngụy Như Kon Tum để mắt, thấy có sinh viên nào giỏi Văn thì đưa về khoa, để vừa học, vừa có thể tham gia viết lịch sử của khoa. Vừa chân ướt chân ráo vào trường, sơ tán mãi tít ở huyện Đại Từ, Thái Nguyên, tôi đã bị “tống cổ” sang khoa Địa lý - địa chất. Tôi khóc như mưa như gió, xin về Hà Nội thăm nhà và bảo với bố, con đã không được đi Liên Xô du học, giờ vào khoa Văn lại bị đẩy sang khoa Địa lý - địa chất. Bố không xin cho con vào khoa Văn thì con không đi học đại học nữa (tôi vờ “hù dọa” thế thôi - cười). May mắn bố có người quen là cô Song Ninh, trong dàn hát đồng ca của Đài, là vợ của vị Thứ trưởng Bộ GDĐT lúc đó và nhờ “giải cứu”. Vậy là sau một tháng, tôi được “giải cứu”, trở lại khoa Ngữ văn, tôi học lúc nào cũng xuất sắc. Ở lớp Ngữ văn, tôi cùng học với Đoàn Hương (sau này sang CCCP đoạt học vị TS khoa học, là 2 cô người Hà Nội, cô này nhất thì cô kia nhì, và ngược lại. Vậy là chơi rất thân, cho tới tận bây giờ.
Trở lại vấn đề giáo dục hiện nay, bà tâm đắc với quan điểm, giáo dục nước nhà phải trên tinh thần đổi mới, như nhà bác học Edison nói, thay vì loay hoay cải tiến cái đèn dầu, thì nên sáng chế ra cái đèn điện, mà dường như nước mình vẫn cứ đang loay hoay cải tiến giáo dục?
- Tôi muốn nhấn mạnh, hai nhân vật thầy - trò trong trường học muốn cải thiện thì nhân vật thầy cấm chỉ đọc chép, và phải giảng bài trên tinh thần phát triển văn hóa Việt Nam theo triết lý của GS Đào Duy Anh trong Việt Nam văn hoá sử cương năm 1938. Cụ Đào cho rằng, nước mình chuyển từ mô hình truyền thống là dân tộc nông dân chuyên nghề làm ruộng, gồm ba hằng số, đều bắt đầu bằng chữ Nông: Nông dân – Nông nghiệp - Nông thôn (theo tổng kết của GS Trần Quốc Vượng, muốn tiến lên theo mô hình phương Tây, thì đương nhiên, phải gặp “bi kịch của sự phát triển”.
Nói vậy để mong ước thúc đẩy người thầy phải nghiên cứu kỹ sự phát triển của văn hóa Việt Nam từ mô hình nông nghiệp toàn phần với 3 hằng số trên đến mô hình phát triển theo phương Tây đô thị hóa, hiện đại hóa, công nghiệp hóa, hoàn toàn ngược nhau. Thì cụ Đào Duy Anh đã nhìn thấy bi kịch đó. Cụ nhận định, nếu phát triển mô hình thuần nông lên mô hình kiểu đô thị phương Tây thì chắc chắn phải trải qua bi kịch của sự phát triển. Vậy, phải tháo gỡ và hóa giải bi kịch của sự phát triển. Hiện nay, với giáo dục, chúng ta chưa chiếm hữu được loại tư duy hiện đại để phát triển và hòa nhập phát triển với thế giới. Tư duy hiện đại này nhiều lý tính và gốc gác từ tư duy duy lý của phương Tây. Trong khi đó, loại tư duy truyền thống của người Việt vốn “duy tình” (chữ dùng của GS Trần Quốc Vượng, hoặc “trọng tình”, là chữ dùng của GS Trần Ngọc Thêm). Cho đến hôm nay, chúng ta vẫn nghiêng nhiều về tư duy cảm tính, lấy tình cảm làm trọng, “một bồ cái lý không bằng một tí cái tình”. Như thế, ta đang bị kẹt ở chỗ này - về phương pháp tư duy. Ta vẫn thiếu một loại tư duy lý tính - rất cần cho sự phát triển hiện đại của xã hội Việt Nam, nhằm giao lưu, tiếp biến, hội nhập với văn hóa phát triển của toàn cầu. Phải chăng đó cũng là yêu cầu và thách thức sự đổi mới và phát triển của nền giáo dục đại học và không chỉ đại học ở Việt Nam.
Tôi mong muốn Bộ GDĐT đặt chương trình giáo dục trong bi kịch của sự phát triển, và muốn phát triển bi kịch phải được giải quyết. Như vậy, chắc chắn sẽ lựa chọn được đèn dầu hay đèn điện. Vì cứ loay hoay cải tiến cái đèn dầu, chi bằng sáng tạo ra cái đèn điện, đó là lời của nhà bác học Thomas Edison cho giáo dục của phương Tây. Ở mình, giáo dục đang kẹt, và kẹt nhất là phương pháp tư duy.
PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái với các diễn viên kịch tại Lễ kỷ niệm 100 năm Sân khấu Kịch nói Việt Nam.
Hiện PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái đang giảng dạy về Báo chí Truyền thông và Sân khấu điện ảnh tại TPHCM. Bà vừa ra Hà Nội tham dự Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021 tại Hải Phòng (từ ngày 5 - 16/11) với vai trò “cầm cân nảy mực” tại Liên hoan. PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái là Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận phê bình, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Trước đó, bà tham dự chuỗi hoạt động kỷ niệm 100 năm Sân khấu Kịch nói Việt Nam (1921 – 2021).
Ngoài giáo dục, trong cuộc sống hiện nay tư duy cảm tính còn ảnh hưởng thế nào tới các vấn đề “nóng” hiện nay như việc chống Covid-19 nhìn từ mỗi địa phương, hay vấn đề nghệ sĩ làm từ thiện gây bức xúc trong dư luận thời gian qua?
- Bởi tư duy cảm tính nên trong việc chống dịch đã có một số người mắc sai lầm.
Rồi việc làm từ thiện cũng rất cảm tính. Tại vì sao, vì ta chưa có luật lệ, quy chế. Mạnh ai người nấy làm. Và với giới nghệ sĩ, khi làm từ thiện, đã dùng tư duy đầy cảm tính. Đầu tiên có thể họ làm theo tình cảm, thấy người nghèo khó thì quyên góp để giúp đỡ, đến lúc kêu gọi được nhiều tiền quá, thì quản lý tiền cũng theo cảm tính, và có thể, lòng tham nổi lên không kìm được. Hoặc có lúc lầm lẫn đưa người ít, người nhiều …
Thưa bà, với cấp tiểu học, trẻ chỉ cần đọc thông viết thạo và nắm được những điều cơ bản. Nhưng với giáo dục tiểu học hiện nay, có ý kiến cho rằng, chúng ta vô tình “đánh cắp” tuổi thơ của trẻ, làm cho đứa trẻ già đi trước tuổi, đối xử với chúng như người lớn. Bà nghĩ sao về điều này?
- Giáo dục tiểu học đang nhầm lẫn trẻ con là hình ảnh thu nhỏ của người lớn. Nhầm như vậy thì trẻ con mất hết cả tuổi thơ. Hình ảnh đứa trẻ với chiếc ba lô đầy sách vở, cách dạy cũng là kiến thức, khiến tôi rất bất an.
Tôi nghĩ, ở Việt Nam có một thứ nghệ thuật ngây thơ và ngộ nghĩnh mà cả thế giới như phải bắc một cái cầu đi qua nó, mới trở về được tuổi thơ đó là rối nước. Khi rối nước xuất hiện lần đầu năm 1984 ở các nước Tây Âu, thì các khán giả ở đó đều kinh ngạc vì có một nền văn hóa thuần phác và rực rỡ, mang tên văn hóa đồng ruộng. Trong đó có cái ao làng đầy nước để cho các chú rối nước biểu diễn và đưa chúng ta trở về một tuổi thơ không bao giờ quay trở lại. Người phương Tây chỉ được quay trở về tuổi thơ khi đọc “Thần thoại Hy Lạp”. Lần đầu tiên được quay trở lại tuổi thơ bằng một nghệ thuật dân gian quyến rũ của phương Đông, cụ thể là của Việt Nam - nghệ thuật múa rối nước truyền thống- khán giả châu Âu, Mỹ…mê mẩn. Nhưng, tréo ngoe là người Việt hiện đại lại không mê thứ nghệ thuật đồng quê rất đỗi quê mùa này.
Trẻ em ở ta ít được vui chơi nên chúng rất “già”, chúng bị nhầm với hình ảnh người lớn thu nhỏ. Bởi vậy, hiện việc thiết lập chương trình giáo dục cho trẻ em là không xứng hợp với trẻ em. Tôi chỉ cần trông thấy chúng đeo ba lô nặng trĩu muốn gù lưng, về nhà thì suốt ngày làm bài tập là tôi biết. Hoàn toàn không vui chơi, nhìn chúng như những “ông bà cụ” với kính cận, giờ rất nhiều em đeo kính. Rồi các cơ chế của nhà trường theo thị trường, tình trạng dạy thêm, học thêm, tiền học tăng, cơ sở vật chất thiếu thốn... Rồi với giáo dục mầm non, trẻ em mầm non cũng bị ép học. Chúng ta hãy cải tiến, muốn cải tiến thì trước tiên phải cải tiến về phương pháp dạy và phương pháp học. Tôi cho rằng, trẻ con phải là trẻ con, sinh viên đại học phải là sinh viên đại học. Thầy ra thầy, trò ra trò.
Với triết lý giáo dục Việt Nam hiện đại từ góc nhìn văn hóa, bà cho rằng: Triết lý về sự phát triển văn hóa Việt Nam hiện đại phải là triết lý về sự đổi mới phương pháp tư duy, để có thể xác lập một tư duy hiện đại cho văn hóa và phát triển ở Việt Nam…
- Tôi cho rằng các vị giáo sư tiền bối của đại học Việt Nam, trong trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ngay từ cách đây 60-70 năm, đã đưa được một định nghĩa chính xác về sự học đại học: Đại học là tự học. Và muốn tự học theo đúng nghĩa của định nghĩa này thì chắc chắn cả thầy lẫn trò phải dùng đến tư duy hiện đại mới giải quyết được sự tự học đầy tính tự chủ trong sự lựa chọn phương pháp dạy và học của thầy và trò trong môi trường đại học. Và tránh được bi kịch về quan hệ này đã từng xảy ra, đó là bi kịch dạy và học bằng: đọc - chép. Đó cũng là định nghĩa đầy châm biếm của dư luận xã hội: Đại học là lớp 12 nối dài, và vừa tuần trước, tôi đọc báo thấy dư luận phê phán rằng: bây giờ đào tạo cao học và lấy bằng thạc sĩ quá dễ, và cao học được định nghĩa cũng đầy châm biếm là đại học + 2 năm vừa học vừa làm, nên chất lượng cao học là rất thấp.
Chính vì vậy, triết lý cần cho sự phát triển giáo dục Việt Nam và cần được các nhà giáo dục học thiết lập trên sự đổi mới tư duy đã và đang thành yêu cầu cấp thiết, để đạt đến bằng được một tư duy hiện đại, và sự ứng dụng có tính chiến lược của loại tư duy này trong hoạt động dạy và học đang nảy sinh rất nhiều vấn đề bức xúc hôm nay. Về tư duy hiện đại này, cũng phải biến đổi và vận hành theo tính đặc thù của lĩnh vực giáo dục nghệ thuật.
Hồi còn là nghiên cứu sinh nghệ thuật ở Học viện Sân khấu Điện ảnh Âm nhạc Quốc gia Leningrad, sau này là Học viện Sân khấu Điện ảnh Âm nhạc Quốc gia St-Peterburg, tôi rất ngưỡng mộ bà GS Knhêben, bà đã đưa ra định nghĩa về giáo dục nghệ thuật sân khấu như sau: Sân khấu là một nghề có thể học, còn dạy thì không! Sau này, tôi mang cái triết lý ấy ứng dụng vào việc giảng dạy nghệ thuật ở bậc đại học tại Việt Nam, và cả giảng dạy nghề báo chí và truyền thông, thì thấy đó là triết lý về dạy nghệ thuật thật là chí lý và hữu hiệu. Bởi những người học nghề nghệ thuật, bao giờ cũng buộc phải có tài năng thiên bẩm và khả năng sáng tạo đặc biệt.
Nên, tôi vẫn đưa ra định nghĩa tương tự, cùng cách giảng dạy thích hợp với môi trường đặc thù của nghệ thuật Việt Nam: Sân khấu là một nghề có thể học, còn dạy thì không. Song, ở Liên Xô thời bấy giờ, chỉ nói riêng về đào tạo nghệ thuật sân khấu, các hội đồng tuyển sinh nghệ thuật đều dầy dạn kinh nghiệm phát hiện tài năng, chưa từng bỏ sót một thí sinh nào có tài năng nghệ thuật và thành tựu đó đã đưa nước Nga lên hàng ngũ tiên tiến nhất thế giới về sư phạm nghệ thuật, dù họ tuyên bố không dạy ai thành nghệ sĩ. Có lẽ họ dạy như không.
Bà cũng từng nói, báo chí là một nghề có thể học được, còn dạy thì không?
- Đúng! Tôi cũng từng nương theo cách trên mà đưa ra định nghĩa về nghề báo: Báo chí là một nghề có thể học được, còn dạy thì không. Không ai có thể dạy ai thành nhà báo, trừ khi người đó muốn trở thành. Và chính tôi cũng trở thành nhà báo bình luận văn hóa văn nghệ theo cách tự đào tạo mình như vậy. Tự học nghề trong trường đời, trong trường nghệ thuật của các tác phẩm thực tế, xem nhiều, đọc nhiều, đi nhiều và trải nghiệm nhiều… Tự tìm cho mình một phương pháp tư duy thích hợp và chịu dạy phương pháp tư duy đó cho sinh viên.
Tôi vẫn cho rằng người Việt Nam và nói chung, phải được đào luyện tử tế trong tam giác: Gia đình – Nhà trường – Xã hội. Thành NHÂN hay không thành NHÂN, hạnh phúc hay không hạnh phúc, cũng phụ thuộc vào sự đào luyện này, để có thể hình thành và phát triển một phương pháp tư duy hiện đại. Và chẳng phải tư duy hiện đại chính là chìa khóa của sự phát triển văn hóa đấy sao?
Hướng nghiệp GPO hy vọng các bạn đã có những thông tin hữu ích. Nếu các bạn có bất cứ thắc mắc hay cần hỗ trợ tư vấn hướng nghiệp, vui lòng đăng ký thông tin tại đây.
Trân trọng cảm ơn bà!
Kim Thùy
Xem thêm bài viết cùng chủ đề:
Kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ có các bài thi riêng?
Văn hóa học đường và vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục
Trường đại học top đầu giảm phụ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT
Bài viết khác
Thêm một trường sư phạm bỏ xét học bạ
Ngày đăng: 13/01/2025 - Lượt xem: 47
Thêm một trường sư phạm bỏ xét học bạ
Xem thêm [+]“Chạy đua” IELTS từ tiểu học, học sinh vất vả, phụ huynh tốn kém ra sao?
Ngày đăng: 07/01/2025 - Lượt xem: 71
Nhiều phụ huynh cho con học IELTS sớm để vào trường tốt, nhưng việc này có thể gây căng thẳng, vì học sinh ở độ tuổi này chưa đủ kiến thức và sức bền.
Xem thêm [+]Đại học Kinh tế quốc dân dừng tuyển sinh nhiều tổ hợp trong năm 2025
Ngày đăng: 06/01/2025 - Lượt xem: 82
Đại học Kinh tế quốc dân dừng tuyển sinh nhiều tổ hợp trong năm 2025
Xem thêm [+]Nhiều trường đại học top đầu ở Tp.HCM "chốt" phương án tuyển sinh 2025
Ngày đăng: 04/01/2025 - Lượt xem: 200
Các trường: Đại học Sư phạm Kỹ thuật Tp.HCM, Đại học Khoa học Tự nhiên Tp.HCM và nhiều trường đại học khác đã công bố phương án tuyển sinh 2025.
Xem thêm [+]Thi tốt nghiệp THPT 2025: Đề thi phải hạn chế khả năng "đoán mò" của thí sinh
Ngày đăng: 14/12/2024 - Lượt xem: 178
Liên quan đến Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, lần đầu tiên được tổ chức theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tăng thời gian làm bài thi của các môn lựa chọn và có giải pháp hạn chế khả năng "đoán mò" trong dạng thức câu hỏi đúng, sai.
Xem thêm [+]Dự kiến bỏ điểm sàn thi tốt nghiệp khi xét tuyển ngành Y Dược, Sư phạm: Bộ GD&ĐT lý giải gì?
Ngày đăng: 02/12/2024 - Lượt xem: 179
Dự kiến bỏ điểm sàn thi tốt nghiệp khi xét tuyển ngành Y Dược, Sư phạm: Bộ GD&ĐT lý giải gì?
Xem thêm [+]Người trẻ muốn cai nghiện điện thoại nhưng không biết làm thế nào
Ngày đăng: 21/11/2024 - Lượt xem: 216
Người trẻ muốn cai nghiện điện thoại nhưng không biết làm thế nào
Xem thêm [+]5 việc giúp sinh viên có những năm tháng ý nghĩa ở trường đại học
Ngày đăng: 15/11/2024 - Lượt xem: 197
Để có thể nhanh chóng thích ứng với một giai đoạn học tập mới, tân sinh viên cần có sự chuẩn bị về tâm lý và kỹ năng.
Xem thêm [+]Không cộng điểm nghề xét tốt nghiệp THPT: 'Cần làm sớm, nhiều nước đã bỏ từ lâu'
Ngày đăng: 08/11/2024 - Lượt xem: 156
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc không cộng điểm khuyến khích chứng chỉ nghề vào xét tốt nghiệp THPT từ năm 2025 là phù hợp do Chương trình phổ thông 2018 không còn quy định hoạt động dạy nghề như chương trình cũ.
Xem thêm [+]ĐH Bách khoa Hà Nội công bố lịch thi đánh giá tư duy năm 2025
Ngày đăng: 02/11/2024 - Lượt xem: 203
ĐH Bách khoa Hà Nội công bố lịch thi đánh giá tư duy năm 2025
Xem thêm [+]Danh mục ngành nghề
Góc cuộc thi
- Không thi thực hành trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia 2021-2022
- Học sinh Việt vô địch cuộc thi Tin học văn phòng thế giới
- Sinh viên văn hóa đạt giải Nhất cuộc thi về ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo
- [Nghề nào cho em] Năng lực bản thân - Vũ khí của sự khác biệt
- [Nghề nào cho em] Đơn phương nghề báo
- [Nghề nào cho em] Ước mơ hay xu thế - lựa chọn con đường phía trước
- [Nghề nào cho em] Hành trình của những giấc mơ
- [Nghề nào cho em] Đại học có phải con đường duy nhất để dẫn đến thành công