[Nghề nào cho em] Chọn nghề sao cho đúng: Câu hỏi đâu phải của riêng ai
Trong cuộc sống, chọn được một công việc như ý đôi khi không phải là dễ dàng. Có rất nhiều yếu tố chi phối đến việc lựa chọn công việc của mỗi chúng ta. Nhưng nếu như bây giờ chúng ta đang cùng ở điểm bắt đầu xuất phát, thì bạn sẽ chọn nghề nào cho mình?
“Tôi thích làm công việc gì? Công việc gì phù hợp với tôi?...” có lẽ là câu tự vấn của rất nhiều bạn trẻ, và cả đối với những người đã đi làm. Bởi đôi khi, bạn không biết được bản thân mình cần gì, yêu gì, thích gì và muốn làm gì. Nếu như bạn có niềm đam mê đặc biệt đối với một lĩnh vực nào đó từ nhỏ, cùng với năng khiếu sẵn có, thì xin chúc mừng, mọi chuyện sẽ trở nên dễ dàng rất nhiều. Tất cả những gì bạn làm là đầu tư thời gian, công sức và tiền bạc vào lĩnh vực đó. Những lĩnh vực đó có thể là ca hát, vẽ, nấu ăn, khiêu vũ, thiết kế… và rất nhiều những niềm yêu thích khác nữa mà bạn có thể tận dụng để biến nó thành thế mạnh của mình.
Tuy nhiên, có rất nhiều người trong chúng ta chưa xác định được niềm yêu thích và đam mê của mình nằm ở đâu. Vậy chúng ta cần làm gì để chọn đúng con đường cho mình?
Tại sao nên chọn đúng công việc
Có hai người cùng làm công việc như nhau, nhưng chắc chắn người có niềm đam mê sẽ làm việc nhiệt huyết hơn, hiệu quả hơn và với tâm trạng vui vẻ hơn. Điều ở đây tôi muốn nói đến ở đây là bản thân của chúng ta. Chúng ta có thể dành 8 tiếng hoặc hơn ở nơi làm việc. Nên nếu có thể làm công việc yêu thích, đầu óc bạn sẽ thoải mái, phấn khởi, công việc cũng sẽ theo đó mà khởi sắc. Còn ngược lại, bạn sẽ tự dìm mình vào sự khó chịu và bực bội từ ngày này sang tháng nọ với mỗi sáng thức dậy là phải đối diện với công việc mà mình không hề có hứng thú.
Lấy ví dụ từ bản thân tôi, khi nhỏ gia đình hướng cho tôi theo ngành sư phạm. Tôi lúc đó chỉ đang học lớp 10 và cũng không có ý kiến gì về việc này. Nhưng vào năm tôi học lớp 11, do khả năng Anh văn của tôi khá tốt nên tôi đã nhận dạy kèm cho 1 em học lớp 8 trong cùng khu phố. Và lúc đó tôi mới nhận ra, tôi không phải không thích, mà là “cực kỳ” không thích nghề dạy học. Tôi rất chán việc mỗi ngày phải nói đi nói lại cùng một nội dung. Đối với tôi đó là công việc rất nhàm chán và buồn tẻ. Cho nên sau đó, tôi đã không chọn thi vào trường sư phạm mà chọn ngành khác – Quản trị kinh doanh.
Nói như vậy để biết rằng, nếu bạn không thể chọn ngành nghề bạn yêu thích, thì cũng đừng chọn ngành nghề bạn ghét. Vì nó sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng công việc và tâm trạng của bạn.
Vậy làm sao để chọn “đúng” nghề
Nếu bạn đang là học sinh và ở ngưỡng cửa chuẩn bị vào đại học và tìm kiếm một hướng đi phù hợp với mình, thì đây có thể là vài chia sẻ hữu ích cho bạn.
Một lý do mà bạn không biết mình thích gì là do bạn chưa biết và hiểu về nó. Nó cũng giống như việc bạn quen 1 người bạn mới. Lúc đầu bạn sẽ không có thiện cảm nhiều, hoặc có ít nhiều thiện cảm dựa vào ngoại hình, giọng nói hay thể hiện nhất thời nào đó. Từ từ tìm hiểu nhiều hơn thì bạn có thể thấy thích người đó hơn vì những tính cách, sở thích tương đồng với bạn. Và bạn bè, cũng có người bạn thiện cảm ít, có người thì bạn rất cảm mến, đúng không nào! Và công việc cũng vậy, tìm được công việc theo đam mê là tuyệt vời nhất. Còn không, thì chỉ cần đó là công việc bạn chấp nhận được là được rồi.
Đến đây, có thể bạn sẽ thắc mắc, rằng bạn chưa đi làm, chưa trải nghiệm thì làm sao biết được công việc đó thế nào. Và đó cũng là điều mà tôi chuẩn bị nói tiếp sau đây.
Trong cuộc sống, có rất nhiều thứ bạn không cần phải trực tiếp trải nghiệm, mà bạn có thể học hỏi kinh nghiệm từ người khác. Tự bản thân đúc kết kinh nghiệm là tốt, nhưng học hỏi và tiếp thu cũng là một việc bạn phải luôn làm.
Đầu tiên, nếu bạn có một sự quan tâm vào yêu thích nào đó, chẳng hạn như thích làm việc với các con số, thì hãy đó làm xuất phát điểm. Còn nếu không cũng không sao. Hãy cứ bắt đầu với bất kỳ thông tin nào mà bạn dễ dàng tiếp cận nhất.
Để làm được điều đó, bạn hãy tập thói quen phân tích và quan sát các hoạt động diễn ra xung quanh bạn mỗi ngày. Ví dụ như, bạn có người anh họ làm việc ở ngân hàng, thì hãy trò chuyện và hỏi xem công việc mỗi ngày của người anh đó là gì. Hãy lắng nghe những chia sẻ, và cả cảm nhận của người đó với công việc hiện tại. Và rồi bạn hãy phân tích ngược lại xem bạn cảm thấy như thế nào với việc đó: bạn yêu thích những điểm nào, ghét những điểm nào? Bạn có chịu được áp lực công việc đó hay không? Khó có thể để đạt 10 trong thanh điểm bạn đưa ra, nhưng bạn có thể ghi chép ra những điểm và tổng kết điểm với mỗi công việc mà bạn đang quan tâm và tìm hiểu. Hãy tận dụng mối quan hệ của bạn với những người đã đi làm và học hỏi từ họ.
Bạn hãy cứ làm theo tôi và bạn sẽ chợt nhận ra rằng, bức tranh về công việc tương lai bạn có thể lựa chọn sẽ rõ ràng và dễ hình dung hơn rất nhiều. Bởi vốn dĩ, thực tế công việc sẽ rất khác với những gì bạn được học trên sách vở. Nên nếu bạn chỉ ngồi và “tưởng tượng” ra công việc thì điều đó là hoàn toàn không tốt.
Bạn có thể học hỏi qua bạn bè, người thân, hoặc qua quan sát trực tiếp. Ví dụ bạn ra ngân hàng để mở sổ tiết kiệm, thay vì ngồi xem điện thoại và chờ đợi, bạn hãy tập trung nhìn cách các nhân viên đang làm việc: họ làm gì, tốc độ và cường độ làm việc ra sao, họ cần những kỹ năng nào… Sẽ có rất nhiều thứ bạn có thể đúc kết từ việc quan sát cẩn thận và tỉ mỉ của mình. Hoặc chẳng hạn như bạn đi ăn ở nhà hàng, bạn hãy nhìn xem cách các nhân viên ở các vị trí khác nhau làm việc như thế nào: quản lý, phục vụ, pha chế, lễ tân… để hiểu hơn về thực tế công việc như thế nào.
Ở thời tôi còn đi học, tôi không có cơ hội để tiếp xúc những người như vậy, nên đó thực sự là một sự thiếu sót. Nên khi ra trường, tôi cũng rơi vào tình trạng mà rất nhiều người mắc phải: nộp đơn xin việc mà không xác định được mình phải xin việc gì, chỉ là xem thông tin mô tả công việc và nộp cầu may. Đến khi vào làm việc chính thức, tôi mới biết thêm các vị trí công việc khác và có định hướng tốt hơn cho bản thân.
Tôi nhận biết được bản thân thích một công việc linh hoạt, yêu cầu sự sáng tạo và vận dụng tư duy mỗi ngày. Tôi cũng thích công việc được tiếp xúc với nhiều người từ các phòng ban khác nhau. Và do vậy, hiện tại tôi đang làm ở vị trí Quản lý Nguyên vật liệu. Công việc này đòi hỏi sự cẩn thận, nhạy bén với con số, trí nhớ tốt, khả năng xử lý vấn đề cao cũng như phối hợp làm việc với các phòng ban khác nhau như sản xuất, QC, thu mua, Logistics, kho…
Nên khi viết ra những chia sẻ này, tôi tin chắc rằng các bạn trẻ sẽ có được hướng đi chính xác hơn và đúng đắn hơn ngay từ đầu. Và điều quan trọng là, bạn đừng chạy theo xu thế. “Món ngon của người này có thể là thuốc độc của người kia”, mỗi người một sở trường, một khả năng khác nhau. Cho nên chọn việc phù hợp với bản thân mình mới là thượng sách. Hỡi bạn trẻ hãy không ngừng học hỏi và chủ động tìm tòi. Với cách thức tôi đề cập ở trên, ai cũng có thể làm được. Chúc các bạn sẽ có sự lựa chọn đúng đắn và vững bước trên con đường tương lai của mình.
Huỳnh Thị Thanh Diệu
Bài viết khác
Người trẻ muốn cai nghiện điện thoại nhưng không biết làm thế nào
Ngày đăng: 21/11/2024 - Lượt xem: 38
Người trẻ muốn cai nghiện điện thoại nhưng không biết làm thế nào
Xem thêm [+]5 việc giúp sinh viên có những năm tháng ý nghĩa ở trường đại học
Ngày đăng: 15/11/2024 - Lượt xem: 61
Để có thể nhanh chóng thích ứng với một giai đoạn học tập mới, tân sinh viên cần có sự chuẩn bị về tâm lý và kỹ năng.
Xem thêm [+]Không cộng điểm nghề xét tốt nghiệp THPT: 'Cần làm sớm, nhiều nước đã bỏ từ lâu'
Ngày đăng: 08/11/2024 - Lượt xem: 62
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc không cộng điểm khuyến khích chứng chỉ nghề vào xét tốt nghiệp THPT từ năm 2025 là phù hợp do Chương trình phổ thông 2018 không còn quy định hoạt động dạy nghề như chương trình cũ.
Xem thêm [+]ĐH Bách khoa Hà Nội công bố lịch thi đánh giá tư duy năm 2025
Ngày đăng: 02/11/2024 - Lượt xem: 87
ĐH Bách khoa Hà Nội công bố lịch thi đánh giá tư duy năm 2025
Xem thêm [+]Đề tiếng Anh tốt nghiệp THPT 2025 tăng độ khó, thí sinh luyện IELTS có lợi
Ngày đăng: 28/10/2024 - Lượt xem: 162
Đề tiếng Anh tốt nghiệp THPT 2025 tăng độ khó, thí sinh luyện IELTS có lợi
Xem thêm [+]Sinh viên Việt Nam đến New Zealand nhiều nhất trong 10 năm
Ngày đăng: 21/10/2024 - Lượt xem: 110
Sinh viên Việt Nam đến New Zealand nhiều nhất trong 10 năm
Xem thêm [+]10 đại học Mỹ dẫn đầu về mức lương của cựu sinh viên
Ngày đăng: 15/10/2024 - Lượt xem: 228
10 đại học Mỹ dẫn đầu về mức lương của cựu sinh viên
Xem thêm [+]Học nông nghiệp ra làm nghề gì?
Ngày đăng: 12/10/2024 - Lượt xem: 293
Học nông nghiệp ra làm nghề gì?
Xem thêm [+]Bộ Giáo dục đề xuất bốc thăm môn thi thứ ba vào lớp 10
Ngày đăng: 08/10/2024 - Lượt xem: 205
Bộ Giáo dục đề xuất bốc thăm môn thi thứ ba vào lớp 10
Xem thêm [+]Đại học Quốc gia TP HCM bỏ hai cách xét tuyển từ năm 2025
Ngày đăng: 07/10/2024 - Lượt xem: 256
Đại học Quốc gia TP HCM bỏ hai cách xét tuyển từ năm 2025
Xem thêm [+]Danh mục ngành nghề
Góc cuộc thi
- Không thi thực hành trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia 2021-2022
- Học sinh Việt vô địch cuộc thi Tin học văn phòng thế giới
- Sinh viên văn hóa đạt giải Nhất cuộc thi về ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo
- [Nghề nào cho em] Năng lực bản thân - Vũ khí của sự khác biệt
- [Nghề nào cho em] Đơn phương nghề báo
- [Nghề nào cho em] Ước mơ hay xu thế - lựa chọn con đường phía trước
- [Nghề nào cho em] Hành trình của những giấc mơ
- [Nghề nào cho em] Đại học có phải con đường duy nhất để dẫn đến thành công