[Nghề nào cho em] Hồi ức cây mao trúc
Trước tiên, tôi xin nhấn mạnh đây chỉ là những trăn trở cá nhân, và nếu có gì chưa phù hợp với trải nghiệm của các bạn, mong được lượng thứ và bỏ qua.
Tôi nhận cuộc điện thoại từ R vào một ngày trung tuần tháng bốn, trong giai đoạn cách ly toàn xã hội theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nhằm phòng chống dịch Covid-19. Màn hình nhấp nháy tên người gọi cũng là lúc đầu óc tôi nhanh chóng cua quẹo tám đường mười hai hướng, mường tượng ra cả tá lý do cho lần trò chuyện đột ngột này sau chuỗi ngày mất liên lạc. Chỉ duy nhất không nghĩ tới câu mở đầu của cô ấy lại là: “Mình nghỉ việc rồi, không làm Luật nữa”.
Tôi lặng thinh giây lát để cố tiêu hóa mớ thông tin khổng lồ được gói ghém trong một lời trần thuật. Được rồi, thật ra có lẽ cũng chẳng phải điều gì quá ghê gớm trong thời đại nhảy việc tràn lan, đặc biệt là khi nhiều nơi tinh giảm biên chế vì ảnh hưởng từ dịch bệnh. Cái làm tôi không ngờ chính là việc R quyết định từ bỏ ước mơ được nuôi dưỡng từ năm nhất Đại học, hoặc là lâu hơn thế. Tôi đoán vậy.
Có thể nói trong đám bạn bè không ai hiểu R hơn tôi, hay đúng hơn là hiểu giấc mộng nghề nghiệp của cô ấy. Thời sinh viên, chúng tôi học chung trường, chung khóa, chung quỹ học bổng, thậm chí là đến thực tập cũng vào chung một công ty Luật, chỉ khác mỗi ngành học. Tôi thuộc khoa Luật Thương mại, còn R học Luật Hình sự.
Trong khi tôi luôn chán chường với mớ bài vở cùng những vụ án trong đề cương thảo luận hàng tuần, R lại nghiên cứu chúng bằng tất cả thời gian và đam mê của cô ấy.
R là một cô gái người dân tộc thiểu số đầy nghị lực. Cô ấy dám vươn lên và từ bỏ nhiều thứ để được học Luật. Có lẽ chỉ ai trong nghề mới hiểu được sự gian nan khi theo đuổi cái ngành này. Nó không hào nhoáng như trên ti vi hay phim ảnh, sự thật là vậy.
Ra trường với tấm bằng cử nhân, bạn có thể xin việc ở các công ty, văn phòng Luật với mức lương tầm 3 hay 4 triệu đồng. Trách nhiệm phải đảm đương thì nhiều mà bạn chỉ có thể được trả thù lao tượng trưng với lý do gọi là “học việc” (dĩ nhiên nếu lúc còn là sinh viên, bạn nào từng thực tập lâu rồi thì có thể thương lượng lên mức 5-7 triệu). Sự chỉ dạy này chẳng biết sẽ giúp bạn đi xa đến đâu, nhưng điều trước mắt là nó không đảm bảo nguồn tài chính để bạn tiếp tục duy trì cuộc sống nơi thị thành chật chội. Tuy vậy, cũng phải thừa nhận một thực tế rằng công tác đào tạo trong trường hiện nay đa phần là lý thuyết, và luật sư sẽ phải hướng dẫn lại cho các bạn từ đầu cả những nghiệp vụ tưởng đơn giản như in ấn và đóng bìa, gỡ kim (hoặc bạn phải tự bỏ tiền để học), nên việc nhận định bạn chưa thể tạo ra giá trị thặng dư cho họ, cũng có lý do của nó. Chỉ là mức lương này, so với bao nhiêu năm đèn sách thi cử cùng học phí phải trả, thật vất vả cho những bạn có hoàn cảnh khó khăn.
Một số bạn bè của tôi chọn hướng học tiếp lên thạc sĩ rồi xin về trường đi dạy hoặc học bằng Luật sư, Công chứng viên… Dĩ nhiên, con đường này chỉ dành cho những ai thực sự muốn theo Luật và có điều kiện tài chính nhất định, bởi khi học tiếp thì thời gian đi làm sẽ eo hẹp hoặc gần như bằng 0. Chưa kể học phí, các khoản thu để thi cử, gia nhập Đoàn Luật sư và hành nghề là con số không hề nhỏ, công tâm mà nói là vậy.
Bạn cũng có thể vào làm ở các Tòa án, Viện kiểm sát,… Đây là một con đường cho những ai muốn vào ngạch công chức, viên chức Nhà nước. R – bạn tôi – cũng chọn hướng này để theo đuổi giấc mộng làm Thẩm phán. Sau khi tốt nghiệp, cô ấy thi tuyển và được nhận vào làm thư ký Tòa án để tiệm cận hơn giấc mơ của mình để đạt đủ tiêu chuẩn “có thời gian làm công tác pháp luật”.
Theo thực tế hiện nay, việc cần phải trở thành thư ký Toà án nhằm mục đích giúp bạn hiểu rõ cũng như nắm được trình tự thủ tục tố tụng. Nhưng ở tại vị trí này bao lâu mới được cất nhắc đi học khóa đào tạo nghiệp vụ xét xử, thì có lẽ còn tùy vào tạo hóa của chính bạn. Có người tốn gần 10 năm, có người thì 20 năm hoặc hơn thế. Cũng có người mãi đến khi tóc mai điểm bạc vẫn còn ngồi trên ghế thư ký Tòa. Nghe thôi đã biết đây là một canh bạc mà những người không thực sự yêu thích và kiên định theo đuổi, sẽ chẳng đủ nhẫn nại và bền bỉ để đi đến cùng. Bởi những khó khăn, áp lực, bởi gánh nặng về tài chính, bởi những tác động vô hình từ ngoại giới…Tôi không biết R đã gục ngã vì lý do nào, nhưng giờ đây tôi biết chắc sẽ chẳng bao giờ xuất hiện một thẩm phán R trong ngành Tòa án nữa. Nghe, có vẻ đầy tiếc nuối.
Vài trường hợp sẽ làm ở các công ty thương mại, như tôi, ở vị trí pháp chế hoặc hành chính nhân sự. Mức lương ở những nơi này sẽ cao hơn các văn phòng luật một tý, tầm 7-8 triệu. Nếu giỏi ngoại ngữ, bạn có thể ứng tuyển vào các doanh nghiệp nước ngoài với mức lương trên 10 triệu.
Quanh quẩn hai năm ở vị trí trợ lý giám đốc kiêm hành chính nhân sự, khi mọi người trong phòng được tăng lương nhiều lần, tôi vẫn dậm chân với mức lương ngày đầu vào công ty dù đang đảm đương khá nhiều trọng trách. Bạn hỏi có buồn không? Buồn chứ, kiểu như công sức bỏ ra không tương xứng với số tiền được trả. Bạn hỏi có chán không? Chán chứ, vì thực tế ngay từ đầu tôi đã chẳng thích luật.
Tôi manh nha ý định từ bỏ con đường hiện tại, làm một công việc trái ngành nhưng đúng đam mê, đó là viết lách.
Hầu như ngày ấy, bất kỳ ai hỏi tôi học môn gì, thi khối gì, lúc nhận được đáp án là môn Văn, khối C, đều lắc đầu tặc lưỡi: “Học cái đó thì ra trường làm gì? Sao mà xin được việc”. Rồi người nào ác ý hơn thì bảo: “Chỉ có mấy đứa ngu tự nhiên mới bắt buộc học xã hội để có cái bằng Đại học cho oách với thiên hạ”. Họ chẳng hề biết rằng tôi là HSG 12 năm liền, thời cấp hai còn thi HSG môn Toán và Hóa, thi tốt nghiệp cấp ba điểm toán cũng là 8.5 – đâu hề thấp với một đứa ôn khối C?
Tuy vậy, cuối cùng cũng không vượt qua được rào cản của thế tục và cả gia đình, tôi điền tên mình vào nguyện vọng học Luật thương mại – một ngành nghe có vẻ dính đến kinh tế, toán học, đầy sự thông minh và giàu có, nhỉ? Thật buồn cười cho cái suy nghĩ thiển cận của bản thân ngày ấy, nhưng chính bởi nó mà gần 04 năm đại học, 02 năm đi làm của tôi chìm trong sự chán nản, mất định hướng và đặc biệt là cảm thấy bản thân thật sự vô dụng. Buồn làm sao!
Tôi bắt đầu gửi Curriculum Vitae (CV) đến các vị trí content, Biên tập viên sau khi đọc và cảm thấy mình đáp ứng đủ yêu cầu công việc mà họ đưa ra. Tuy vậy, ngược lại với nguyện vọng khi chẳng bao giờ tôi nhận được hồi âm đáp trả, hoặc nói khác đi là đến vòng gửi xe tôi cũng chưa vượt qua.
Tôi bền bỉ sáng tác và gửi bài đến các cuộc thi viết được tổ chức trong nước. Có bài được đăng qua vòng sơ khảo, có bài im lìm như muối bỏ biển. Dưới ánh nhìn dò xét của mọi người, sau những thất bại mà mình nếm trải, tôi cũng dần hoài nghi năng lực của bản thân. Nhiều người bảo viết lách vì đam mê, nhưng nếu đam mê mà không được công nhận bởi một giá trị vật chất hoặc tinh thần nào đó, thì nó chỉ mãi nằm trên giấy. Và tôi, sẽ chẳng thể tiếp tục theo đuổi cái mà mình gọi là sở trường khi nó không tạo ra một giá trị nào như thế.
Một người Mentor của tôi, hiện nay là Luật sư có tiếng trong một hãng luật nước ngoài, từng tặng cho tôi cuốn sách của Rando Kim mang tên “Trưởng thành sau ngàn lần tranh đấu”. Trang lời tựa, anh có viết vài dòng thế này: “Tặng Thanh Trúc, tên em là số phận, là câu chuyện, là sức mạnh của em. Đừng bỏ cuộc”. Lật giở vài tờ, đọc và thấm, tôi mới chợt hiểu vì sao anh ấy lại nói như vậy. Trang 30 của cuốn sách có đề cập đến hình tượng cây mao trúc. Chúng chỉ là những đọt măng nhỏ trong suốt năm năm, không tăng trưởng. Nhưng tới cuối năm thứ năm, chúng đột phá khi một ngày cao thêm cả mấy chục Centimet, cho tới khi đạt mức 25 mét. Cây mao trúc im lìm trong mặt đất một khoảng thời gian rất dài, tưởng chừng bị vạn vật xung quanh bỏ lại phía sau thật xa. Nhưng rồi cuối cùng, bao nhiêu giống loài có thể cao tới 25 mét như chúng?
Sự chững lại nhất thời không có nghĩa là đứng im cả đời. Khi có thể mặc kệ những nghi kỵ xung quanh, tự nỗ lực và hoàn thành tốt những gì mình nhận định, kết quả tạo ra sẽ thật sự bất ngờ và kì diệu. Là người thầy đầu đời thời sinh viên, có lẽ anh đã sớm nhìn ra sự nổi loạn và khúc cua mà tôi phải trải. Lời khuyên đó vẫn theo tôi tới tận bây giờ, có điều trong một vài gập ghềnh mình vấp ngã, tôi đã sơ ý làm rơi mất vài chữ, thành ra cuối cùng làm câu nói ấy chẳng còn hoàn thiện như nó vốn có. Thật đáng tiếc!
Cuộc đời mà, ai biết trước được chữ ngờ. Điều hiện tại tôi dám làm chỉ là can đảm bỏ cái mình không thích, đi theo cái mình phù hợp và đam mê. Ngược lại đám đông, không theo thị hiếu, dù cuối cùng chẳng thể bay cao, tôi vẫn hy vọng bản thân có thể trở thành một giọt muối mặn – hòa nhập mà không hòa tan – giữa muôn trùng biển khơi sâu thẳm.
Nguyễn Trần Thanh Trúc
Bài viết khác
Người trẻ muốn cai nghiện điện thoại nhưng không biết làm thế nào
Ngày đăng: 21/11/2024 - Lượt xem: 38
Người trẻ muốn cai nghiện điện thoại nhưng không biết làm thế nào
Xem thêm [+]5 việc giúp sinh viên có những năm tháng ý nghĩa ở trường đại học
Ngày đăng: 15/11/2024 - Lượt xem: 61
Để có thể nhanh chóng thích ứng với một giai đoạn học tập mới, tân sinh viên cần có sự chuẩn bị về tâm lý và kỹ năng.
Xem thêm [+]Không cộng điểm nghề xét tốt nghiệp THPT: 'Cần làm sớm, nhiều nước đã bỏ từ lâu'
Ngày đăng: 08/11/2024 - Lượt xem: 62
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc không cộng điểm khuyến khích chứng chỉ nghề vào xét tốt nghiệp THPT từ năm 2025 là phù hợp do Chương trình phổ thông 2018 không còn quy định hoạt động dạy nghề như chương trình cũ.
Xem thêm [+]ĐH Bách khoa Hà Nội công bố lịch thi đánh giá tư duy năm 2025
Ngày đăng: 02/11/2024 - Lượt xem: 87
ĐH Bách khoa Hà Nội công bố lịch thi đánh giá tư duy năm 2025
Xem thêm [+]Đề tiếng Anh tốt nghiệp THPT 2025 tăng độ khó, thí sinh luyện IELTS có lợi
Ngày đăng: 28/10/2024 - Lượt xem: 162
Đề tiếng Anh tốt nghiệp THPT 2025 tăng độ khó, thí sinh luyện IELTS có lợi
Xem thêm [+]Sinh viên Việt Nam đến New Zealand nhiều nhất trong 10 năm
Ngày đăng: 21/10/2024 - Lượt xem: 110
Sinh viên Việt Nam đến New Zealand nhiều nhất trong 10 năm
Xem thêm [+]10 đại học Mỹ dẫn đầu về mức lương của cựu sinh viên
Ngày đăng: 15/10/2024 - Lượt xem: 228
10 đại học Mỹ dẫn đầu về mức lương của cựu sinh viên
Xem thêm [+]Học nông nghiệp ra làm nghề gì?
Ngày đăng: 12/10/2024 - Lượt xem: 293
Học nông nghiệp ra làm nghề gì?
Xem thêm [+]Bộ Giáo dục đề xuất bốc thăm môn thi thứ ba vào lớp 10
Ngày đăng: 08/10/2024 - Lượt xem: 205
Bộ Giáo dục đề xuất bốc thăm môn thi thứ ba vào lớp 10
Xem thêm [+]Đại học Quốc gia TP HCM bỏ hai cách xét tuyển từ năm 2025
Ngày đăng: 07/10/2024 - Lượt xem: 256
Đại học Quốc gia TP HCM bỏ hai cách xét tuyển từ năm 2025
Xem thêm [+]Danh mục ngành nghề
Góc cuộc thi
- Không thi thực hành trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia 2021-2022
- Học sinh Việt vô địch cuộc thi Tin học văn phòng thế giới
- Sinh viên văn hóa đạt giải Nhất cuộc thi về ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo
- [Nghề nào cho em] Năng lực bản thân - Vũ khí của sự khác biệt
- [Nghề nào cho em] Đơn phương nghề báo
- [Nghề nào cho em] Ước mơ hay xu thế - lựa chọn con đường phía trước
- [Nghề nào cho em] Hành trình của những giấc mơ
- [Nghề nào cho em] Đại học có phải con đường duy nhất để dẫn đến thành công