[Nghề nào cho em] “Lương y như từ mẫu”, Nghề tôi đã chọn
Mỗi người khi bước vào con đường lập nghiệp đều chọn cho mình một nghề để mưu sinh cuộc sống. Chọn con đường nào thì tuỳ mỗi người và con đường nào cũng có cái giá phải trả của nó. Có thể nghề đó đem đến cho bạn nhiều tiền, cuộc sống giàu sang, danh vọng. Còn riêng tôi đã chọn cho mình một nghề được xem là “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”, đó là nghề thầy thuốc. Nghề đã đem đến cho tôi nhiều niềm vui, hạnh phúc, trăn trở và nhận nhiều lời cảm ơn nhất từ bệnh nhân, người nhà bệnh nhân như lời cố Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng nói với cán bộ và nhân viên y tế nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam năm 1985: “Ít có nghề nghiệp nào mà xã hội đòi hỏi về phẩm chất và tài năng cao như đối với người làm công tác y tế. Đó là một nghề đặc biệt, đòi hỏi sự hiểu biết sâu rộng, tấm lòng nhân ái, sự từng trải và kinh nghiệm, một nghề mà mọi công việc, dù là nhỏ, đều có liên quan đến tính mệnh con người và hạnh phúc gia đình”.
Khi viết những dòng về nghề thầy thuốc, tôi không có tham vọng ca ngợi nghề của mình mà chỉ gửi gắm tâm sự của một bác sĩ đã trải qua hơn 20 năm trong nghề, nếm bao hỉ nộ ái ố của cuộc sống. Không than phiền, không phê phán, không tán dương, không chê trách, chỉ là những tâm sự của người trong cuộc để mọi người chia sẻ, thấu hiểu và cảm thông cho công việc chúng tôi.
Bác sĩ Hoàng Hữu Hóa - Ảnh tác giả
Tôi đến với nghề này cũng vì niềm đam mê, kính trọng những vị bác sĩ, cô y tá đã tận tâm cứu chữa cho cha tôi trong thời gian cha tôi bị bệnh tắc đường ruột, đã được điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế và cũng vì ước nguyện của cha tôi. Với tôi, cha là người đáng kính, thần tượng lớn nhất. Người cho tôi cuộc đời hôm nay. Tôi còn nhớ, lúc đó tôi mới lên học cấp 3, trước khi trút hơi thở cuối cùng, cha đã cầm tay tôi căn dặn: “Trong nhà ta, con là người được học hành hơn hẳn mấy anh chị em khác. Con hãy cố gắng mà học, đừng bao giờ từ bỏ con đường học vấn cho dù khó khăn đến mấy nghe con!”. Tôi rưng rưng hai hàng nước mắt, nhớ mãi lời cha dặn và quyết tâm làm được điều gì đó như cha đã kỳ vọng vào tôi. Và rồi tôi đã đỗ vào trường Đại học Y khoa Huế. Ngày ấy tôi vui mừng biết bao, ước mơ của tôi và cha đã thành hiện thực. Sau 6 năm miệt mài tu luyện, tôi đã trở thành người thầy thuốc của nhân dân, hằng ngày khám chữa bệnh cho mọi người. Nếu có một điều ước, tôi sẽ mong thời gian quay trở lại để tôi được gần cha, chữa bệnh cho cha.
Tôi đã xác định chọn ngành y là chọn một cái nghiệp cho cả cuộc đời, đó là phục vụ con người, bao hàm trong đó là sự hy sinh vì đối tượng của chúng tôi là người bệnh, trên khuôn mặt họ lúc nào cũng biểu hiện sự đau đớn, vật vã, buồn bã, bi quan, lo lắng. Thấy họ vật vã, nghe họ rên rỉ, đau đớn, tôi cũng cảm thấy thương tâm như chính vết thương chính mình đang rỉ máu. Nếu không có lòng yêu thương con người như một thực thể sống động, có lẽ tôi không thể gắn bó suốt đời với nghề này. Tôi thầm nghĩ có lẽ số phận đưa đẩy mình vào nghề này là phải chứng kiến những khổ đau của kiếp người. Tôi sợ một ngày nào khi mình không còn cảm thấy đau cái đau của kẻ khác, buồn cái buồn của người không may, xót thương những mảnh đời bất hạnh thì ngày đó tôi không còn là tôi nữa.
Bác sĩ khám bệnh cho bệnh nhân (Ảnh tác giả chụp)
Có vào bệnh viện, bạn mới thấy đây là nơi người bệnh đang đấu tranh, giành giật giữa sự sống và cái chết, nơi nhận ra rõ nhất quy luật “sinh - lão - bệnh - tử”, đầy rẫy khổ đau. Đối với những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, quái ác thì án tử hình đang treo lơ lửng trên đầu họ. Nhưng cũng chính nơi đây bạn sẽ thấy tình người rõ nhất. Đội ngũ y, bác sĩ luôn quan tâm, săn sóc người bệnh hằng ngày, nhắc nhở uống thuốc, động viên an ủi… Và đó còn là nơi bạn sẽ thấy những giọt nước mắt hạnh phúc lăn dài hay nụ cười của bệnh nhân khi được khỏe mạnh, hồi phục. Chỉ từng đó thôi cũng làm cho tôi hạnh phúc rồi và là nguồn động viên để cống hiến sức lực mình hơn nữa.
Có đến các cơ sở y tế, bệnh viện và có chứng kiến, bạn mới cảm nhận được hết những việc làm ý nghĩa của đội ngũ thầy thuốc chúng tôi. Những công sức của người thầy thuốc dành cho bệnh nhân là không thể cân đong đo đếm. Với cường độ và áp lực làm việc căng thẳng, liên tục trong thời gian dài, bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải, nghề nghiệp của chúng tôi đòi hỏi lao động trí óc nặng nề, nhiều áp lực đến cùng một lúc. Đội ngũ y, bác sỹ chúng tôi phải liên tục tiếp cận và xử lý với nhiều ca bệnh, trong đó có nhiều bệnh nan y, nhiều chứng bệnh nguy hiểm có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của người thầy thuốc. Hằng ngày, hằng giờ, các y, bác sỹ có nguy cơ lây nhiễm bệnh tật từ máu, mủ, vi trùng, vi rút… của bệnh nhân. Phần lớn thời gian công tác, chúng tôi phải gắn với môi trường nguy hiểm, nơi mà sự chết chóc rình rập, tiếng khóc, tiếng rên rỉ, than thở, máu và nước mắt, stress luôn bủa vây quanh mình. Sự hy sinh thầm lặng cho nghề ấy, không phải ai cũng biết. Chúng tôi như những “ngọn nến” luôn cháy hết mình cho sự sống của mọi người.
Các y, bác sĩ đang làm nhiệm vụ trong khu cách ly ở TXQT (Ảnh tác giả chụp)
Khi thành phố tắt đèn, mọi người chìm vào giấc ngủ say sưa còn chúng tôi đang vào ca trực, phải thức thâu đêm suốt sáng. Có khi chợp được mắt thì bàng hoàng tỉnh giấc bởi tiếng động cơ xe cấp cứu đưa bệnh nhân nhập viện, hoặc tiếng người nhà bệnh nhân gọi í ới, thậm chí những tiếng chửi mắng om sòm của những nạn nhân say xỉn… Lập tức chúng tôi phải cứu chữa bệnh nhân ngay trong đêm khuya. Có khi đứng bên bàn mổ, thần kinh căng thẳng trong nhiều giờ liền, xong ca mổ bủn rủn cả tay chân và đói lả… Tất cả những điều trên để thấy rằng nghề y đòi hỏi sự hy sinh lớn nhường nào!
Tuy vậy, chúng tôi không một lời than phiền, kêu ca mà xem đó là trách nhiệm, lương tâm của người thầy thuốc “lương y như từ mẫu”. Vì sức khoẻ và tính mạng của bệnh nhân, người thầy thuốc làm hết khả năng của mình từng giờ, từng phút từng giây chiến đấu giành giật với tử thần để đem lại sự sống cho họ. Nụ cười của bệnh nhân là nụ cười của chúng tôi.
Bên cạnh những điều tốt đẹp ấy, nghề thầy thuốc cũng chịu áp lực rất lớn từ bệnh nhân, người nhà bệnh nhân. Đối tượng mà chúng tôi tiếp xúc chính là người bệnh và người nhà của họ. Mà họ thì không ai giống ai, từ tình trạng bệnh đến suy nghĩ, thái độ, cách cư xử của từng người. Để gần gũi, hiểu được điều họ muốn không phải là chuyện dễ. Có trường hợp người nhà bệnh nhân không kiềm chế được cơn tức giận liền nổi nóng, la ó thậm chí xúc phạm đến chúng tôi. Nhưng chúng tôi vẫn phải phải giữ thái độ niềm nở, nhẹ nhàng, bình tĩnh và đặt việc cứu chữa người bệnh là trên hết chứ không có thời gian đôi co với họ. Tôi nghĩ mọi người cần có cái nhìn bao dung hơn, thiện cảm hơn với người làm ngành y tế. Nếu không có một tình yêu nghề, yêu người thực sự, tôi đã không chọn nghề này.
Là nghề đặc biệt, nghề được cả xã hội biết đến, được cả xã hội trân trọng, quý mến thì sức ép, trách nhiệm và áp lực đối với nghề của người thầy thuốc cũng rất nặng nề. Trong chuyên môn, người thầy thuốc không thể tiên lượng, đánh giá hết được mọi sự cố bất ngờ, cùng với đó những tai biến trong nghề nghiệp luôn rình rập, dễ xảy ra bất cứ lúc nào dù người thầy thuốc đã cố gắng hạn chế thấp nhất mọi rủi ro, ranh giới giữa cái chết và sự sống gần nhau trong gang tấc. Như vậy sẽ tạo ra cho xã hội có những bức xúc, phản ứng dữ dội đối với nghề y, đối với người thầy thuốc.
Còn nữa, chúng tôi không khỏi day dứt vì trong ngành đâu đó vẫn còn những hiện tượng thái độ chưa đẹp, chăm sóc chưa tốt, thờ ơ đến vô cảm với người bệnh… dẫn đến sự mất mát, đau đớn và tổn thất lớn mà không gì bù đắp được của gia đình người bệnh. Đặc biệt hiện tượng phong bao, phong bì vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi và diễn ra hàng ngày, làm ảnh hưởng không tốt cho toàn ngành y tế, làm mất đi hình ảnh tốt đẹp của đội ngũ thầy thuốc chân chính; phẩm chất, đạo đức của người thầy thuốc bị khinh rẻ, xem thường…. Tôi nghĩ đó chỉ là những hiện tượng nhỏ lẻ, cá biệt, một vài “con sâu làm rầu nồi canh”.
Thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác "Lương y phải như từ mẫu", tôi luôn vượt qua chính mình, vượt qua cám dỗ đời thường để hết lòng với nghề, làm tròn nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã giao phó để xứng danh với tên gọi người chiến sĩ áo trắng. Khi đã khoác trên mình chiếc áo blouse trắng, tôi tự nhủ phải luôn giữ chiếc áo ấy thật trong sáng, sạch sẽ, tinh khiết, không để bị hoen ố bởi những bụi đời. Như trong thư gửi Hội nghị Quân y (tháng 3 năm 1948), Hồ Chí Minh viết: “Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu. Thầy thuốc như mẹ hiền còn phải được thể hiện ở sự hết lòng với người bệnh, vì mục đích cứu người nên không phân biệt sang hèn, giàu nghèo, thân sơ, không được cầu lợi, kể công mà cǎn cứ vào bệnh nặng, nhẹ, nguy, lành mà sắp xếp việc cứu chữa”.
Hoàng Hữu Hóa
Bài viết khác
Người trẻ muốn cai nghiện điện thoại nhưng không biết làm thế nào
Ngày đăng: 21/11/2024 - Lượt xem: 38
Người trẻ muốn cai nghiện điện thoại nhưng không biết làm thế nào
Xem thêm [+]5 việc giúp sinh viên có những năm tháng ý nghĩa ở trường đại học
Ngày đăng: 15/11/2024 - Lượt xem: 61
Để có thể nhanh chóng thích ứng với một giai đoạn học tập mới, tân sinh viên cần có sự chuẩn bị về tâm lý và kỹ năng.
Xem thêm [+]Không cộng điểm nghề xét tốt nghiệp THPT: 'Cần làm sớm, nhiều nước đã bỏ từ lâu'
Ngày đăng: 08/11/2024 - Lượt xem: 62
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc không cộng điểm khuyến khích chứng chỉ nghề vào xét tốt nghiệp THPT từ năm 2025 là phù hợp do Chương trình phổ thông 2018 không còn quy định hoạt động dạy nghề như chương trình cũ.
Xem thêm [+]ĐH Bách khoa Hà Nội công bố lịch thi đánh giá tư duy năm 2025
Ngày đăng: 02/11/2024 - Lượt xem: 87
ĐH Bách khoa Hà Nội công bố lịch thi đánh giá tư duy năm 2025
Xem thêm [+]Đề tiếng Anh tốt nghiệp THPT 2025 tăng độ khó, thí sinh luyện IELTS có lợi
Ngày đăng: 28/10/2024 - Lượt xem: 162
Đề tiếng Anh tốt nghiệp THPT 2025 tăng độ khó, thí sinh luyện IELTS có lợi
Xem thêm [+]Sinh viên Việt Nam đến New Zealand nhiều nhất trong 10 năm
Ngày đăng: 21/10/2024 - Lượt xem: 110
Sinh viên Việt Nam đến New Zealand nhiều nhất trong 10 năm
Xem thêm [+]10 đại học Mỹ dẫn đầu về mức lương của cựu sinh viên
Ngày đăng: 15/10/2024 - Lượt xem: 228
10 đại học Mỹ dẫn đầu về mức lương của cựu sinh viên
Xem thêm [+]Học nông nghiệp ra làm nghề gì?
Ngày đăng: 12/10/2024 - Lượt xem: 293
Học nông nghiệp ra làm nghề gì?
Xem thêm [+]Bộ Giáo dục đề xuất bốc thăm môn thi thứ ba vào lớp 10
Ngày đăng: 08/10/2024 - Lượt xem: 205
Bộ Giáo dục đề xuất bốc thăm môn thi thứ ba vào lớp 10
Xem thêm [+]Đại học Quốc gia TP HCM bỏ hai cách xét tuyển từ năm 2025
Ngày đăng: 07/10/2024 - Lượt xem: 256
Đại học Quốc gia TP HCM bỏ hai cách xét tuyển từ năm 2025
Xem thêm [+]Danh mục ngành nghề
Góc cuộc thi
- Không thi thực hành trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia 2021-2022
- Học sinh Việt vô địch cuộc thi Tin học văn phòng thế giới
- Sinh viên văn hóa đạt giải Nhất cuộc thi về ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo
- [Nghề nào cho em] Năng lực bản thân - Vũ khí của sự khác biệt
- [Nghề nào cho em] Đơn phương nghề báo
- [Nghề nào cho em] Ước mơ hay xu thế - lựa chọn con đường phía trước
- [Nghề nào cho em] Hành trình của những giấc mơ
- [Nghề nào cho em] Đại học có phải con đường duy nhất để dẫn đến thành công