[Nghề nào cho em] Người ươm mầm nơi đảo xa
“Không quá xa bờ như Hoàng Sa, Trường Sa để vĩnh viễn nằm trong nỗi nhớ xa khơi của đất liền. Nhưng Cồn Cỏ cũng không đứng gần đến độ những con hải âu cũng đâm ra nhàm chán vì ngửi thấy quá ít cái phong vị sóng gió của hải đảo…” Chỉ mấy câu ngắn gọn như thế trong bút ký “Cồn Cỏ ngày thường” của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã khái quát hết cái thế đứng của một hòn đảo xanh lam nổi lên trên biển nằm ngoài khơi Quảng Trị, đó là Cồn Cỏ.
Tôi đã có dịp đến thăm hòn đảo này, có thể nói Cồn Cỏ đã đổi thay và phát triển rất nhanh về cơ sở hạ tầng, điện, đường. Những công trình đang xây dựng bên thềm biển. Ánh sáng điện làm cho Cồn Cỏ rạng rỡ thêm giữa tĩnh mịch bốn bề sóng nước. Những tảng đá lớn, những bãi san hô tuyệt đẹp dù đã bắt đầu ngất ngư vì say sóng nhưng chúng tôi không thể bỏ qua và ghi lại những khoảnh khắc tuyệt diệu ấy. Chỉ thế thôi cũng cảm nhận được sự kỳ diệu của thiên nhiên, những con người sống và làm việc trên đảo Cồn Cỏ anh hùng.
Từ xa xa văng vẳng tiếng tập hát của cô giáo và tiếng bi bô của các cháu vọng lại hòa vào tiếng sóng vỗ rì rào, làm chúng tôi không khỏi tò mò về ngôi trường giữa đảo xanh bao la. Còn các cô giáo ở đây âm thanh ấy trở nên quen thuộc và là một phần không thể thiếu trong cuộc sống các cô.
Trường mầm non - tiểu học Hoa Phong Ba trên đảo Cồn Cỏ
Trường mầm non - tiểu học Hoa Phong Ba, ngôi trường mang tên loài hoa Phong Ba, cây hoa đặc trưng, có sức sống mãnh liệt trên đảo Cồn Cỏ. Đây là ngôi trường do Bộ GD&ĐT phối hợp Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam xây dựng khá khang trang với đầy đủ tiện nghi, từ bàn ghế ngồi đến những xích đu, trò chơi…. để phục vụ việc học tập của con em 10 hộ dân đang sinh sống trên đảo này từ 11 năm qua. Dẫu vậy, trong tôi, hình ảnh cô giáo trẻ Hoàng Thị Hiếu vẫn là tâm điểm.
“Một cô gái từ cao nguyên xa xôi quê ở Đắk Lắk lại tình nguyện sống và làm việc ở đảo, vậy động lực nào cô ra đảo Cồn Cỏ?” tôi tò mò hỏi.
“Sau khi tốt nghiệp Sư phạm mầm non, tôi xin về dạy Trường mầm non ở xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị. Đến khi nghe ở tỉnh Quảng Trị có chương trình thanh niên tình nguyện ra đảo Cồn Cỏ để lập nghiệp sinh sống, bản thân thấy mình còn trẻ và muốn làm một việc gì đó có ích cho xã hội nên tôi đã đăng ký. Đến đầu năm 2008 thì tôi được ra đảo như ước nguyện để dạy chữ”, cô giáo trẻ Hoàng Thị Hiếu chia sẻ. Hiện nay các cô đều đã lập gia đình và sinh sống tại đảo.
Niềm vui của cô giáo Hoàng Thị Hiếu
Việc cô giáo trẻ xinh xắn như Hoàng Thị Hiếu, Hoàng Thị Thắm tình nguyện cắm chốt để dạy học cho những đứa trẻ ngoài đảo đã khiến cho những người thân trong gia đình và bạn cô cực lực phản đối. Họ sợ rằng thân con gái ra đảo sẽ héo mòn tuổi xuân, ế chồng, rồi cuộc sống ngoài đảo thiếu thốn trăm bề không như trong đất liền.
Ngày ra đảo, mặc dù trước đó đã chuẩn bị tâm lý nhưng 2 cô vẫn không khỏi bị "sốc" bởi lẽ đảo rất hoang vu, ít người, điều kiện sinh sống lúc đó còn nhiều khó khăn. Có nhiều đêm suy nghĩ là phải bỏ cuộc. Tuy nhiên, vì sự cảm thông và tình yêu thương đối với các em học sinh nơi đây quá lớn, nhìn các em chăm chú luyện từng nét chữ, khuôn mặt ngây thơ hồn nhiên, 2 cô lại cố gắng hết sức mình để giữ lớp, để các em đến với con chữ. “Chỉ một thời gian ngắn tôi đã hòa nhập với cuộc sống nơi đây, giờ quen rồi”, Hiếu nói trong niềm vui khi cô nhìn các cháu nô đùa nơi sân trường.
Rồi cô Hiếu kể lại những ngày tháng khó khăn trên đảo. Ngày trước, chỉ có 1 lớp học duy nhất trên đảo và có khá nhiều điểm đặc biệt từ học trò đến giáo viên. Mỗi năm, lớp chỉ có khoảng 10 cháu, trong lớp 2 cô giáo phải thay nhau vừa dạy, vừa chăm lo cho các cháu. Các cháu ở đủ các độ tuổi từ 1 - 5 học chung một lớp, nên việc soạn giáo án và giảng dạy cho các cháu gặp nhiều khó khăn phải dạy lớp ghép 5 độ tuổi. Lớp học đặc biệt ấy với đủ thành phần nên mỗi cô giáo phải tự trang bị kiến thức cho mình, cùng nhau góp ý giờ dạy, kinh nghiệm cho nhau.
Nhưng một niềm vui là lớp học đặc biệt này được sự động viên, khích lệ của nhiều người. Tấm lòng ấy của các cô đã được chính quyền và phụ huynh ghi nhận. Tuy nhiên, khi thực hiện công tác giảng dạy, 2 cô giáo rất vất vả. Nhất là khi tập viết, các cô ân cần đến cầm tay từng em để đưa nét bút tập viết theo từng con chữ, rồi tập hát, kể chuyện. Các cô vừa là cô vừa là mẹ của các cháu đúng nghĩa “cô nuôi dạy trẻ”. Nhưng những khó khăn ấy không ngăn được tình cảm của cô giáo với những đứa trẻ ở đảo. Công sức của các cô cũng được đền đáp, các em đã biết nói "cháu chào cô ạ”, biết hát, biết múa … Nhìn thấy các em vui cười, bi bô nói đã tiếp thêm động lực cho các cô, để hằng ngày họ gieo chữ mà không đòi hỏi thêm đồng phụ cấp nào.
Không chỉ khó khăn trong công việc giảng dạy mà các cô còn đối mặt với sự khắc nghiệt của thời tiết nơi đầu sóng ngọn gió giữa biển khơi bao la. Nhớ nhất là Cơn bão số 10, số 11 lịch sử xảy ra vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 năm 2013 đã khiến cho toàn bộ Trường Mầm non Hoa Phong Ba chỉ còn là một đống đổ nát. Ngày trước trường chỉ là mái nhà lợp tôn tạm bợ. Nhớ lại ngày ấy, đến giờ cô Hiếu vẫn chưa hết bàng hoàng: “Ký ức đó thật là khủng khiếp, cơn bão thịnh nộ đã làm sập trường. Mọi thứ đều hoang tàn, chỉ thấy một biển nước...".
Cô Hiếu kể, sau trận bão lịch sử ấy, mặc dù trường lớp bị tàn phá nhưng việc dạy và học vẫn duy trì ở những ngôi nhà tạm lợp tôn không đổ trần, được sửa sang lại từ nhà ăn tập thể của Làng Thanh niên xây dựng năm 2002. Kỷ niệm về những lớp học tạm chỉ có 2 cô giáo và hơn 10 đứa trẻ, đối với cô Hiếu còn chưa nguôi: “Mấy cô trò đang học thì nước trên đường tràn vô. Chúng tôi vô trong nhà khóa cửa lại thì nước ở dưới chân dâng lên, nước trên đầu dột xuống, không có chỗ mô ngồi hết, cô trò chỉ có về thôi”.
May thay, 2 năm sau đúng như tên gọi của loài cây phong ba, ngôi trường đã vươn mình khỏi bão táp, “nở hoa” từ đống đổ nát của ngôi trường mầm non cũ. Giờ đây, Trường Mầm Non -Tiểu học Hoa Phong Ba khang trang hơn với tổng diện tích sàn khoảng 500m2, bao gồm 1 phòng làm việc giáo viên, 2 nhà ở công vụ, 1 bếp nấu ăn, 1 lớp học tiểu học, 1 lớp học mầm non và 3 khu phụ trợ. Điều quan trọng hơn là trường đã có thêm lớp tiểu học, phụ huynh rất phấn khởi, bởi họ không phải phải đem con vô đất liền gửi cho ông bà đi học trong đó, họ yên tâm hơn vươn khơi bám biển, thêm gắn bó với quê hương biển đảo của mình. Ánh mắt ngời lên niềm vui của cô giáo Hoàng Thị Hiếu chứng kiến học sinh của mình chính thức được học trong ngôi trường mới khang trang, sạch đẹp, kiên cố làm các cô yên tâm dạy học.
Hằng ngày đều đặn 2 buổi, các cháu Lớp mầm non Hoa phong Ba đến trường được các cô dạy dỗ, chăm sóc như mẹ hiền. Cũng ê a giọng đọc, cũng ồn ã giành nhau đồ chơi, lớp học ở trường Hoa phong Ba là nơi nuôi dưỡng ước mơ đi học của những đứa trẻ nơi đảo xa. Cô Thắm nói: “Tôi trụ được ở đảo vì thương các em nhỏ, tôi chỉ hy vọng sẽ đem lại những điều có ích cho các em nhỏ nơi đây, để các em có thể được như trẻ em trong đất liền”.
Cô Hoàng Thị Thắm và học trò bên góc học tập của học sinh
Nhìn phòng học rất đẹp với cách bố trí hài hòa từ đồ chơi, góc học tập cho các cháu, đến các hình ảnh nghe, nhìn trực quan tôi chợt hiểu lòng yêu nghề và tâm huyết của các cô nhiều thế nào. Nhờ đó, các cháu nhỏ được lĩnh hội đầy đủ những kiến thức và không bị thiệt thòi như trẻ em ở đất liền.
Khi được hỏi “một ngày nào đó Hiếu sẽ bỏ dạy ở đảo để vào sống trong đất liền?”. Hiếu nói luôn không chần chừ suy nghĩ: “Đối với tôi đảo là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của tôi, đảo là nhà, biển cả là quê hương. Tôi nghĩ đảo cũng như ở đất liền, miễn sao mình cống hiến để đảo luôn được tươi xanh. Ở đây mọi người sống được thì tôi cũng sống được. Tôi không quản ngại khó khăn. Hơn nữa tình quân dân ở đây luôn ấm cúng, bền chặt, tạo niềm tin cho chính bản thân tôi cũng như những thanh niên tình nguyện phục vụ đảo an tâm sinh sống, làm việc.”
Không hoa tươi, không quà tặng cô nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, những đứa trẻ ở đảo Cồn Cỏ chỉ có tấm lòng và niềm khát khao sự học để vươn lên làm chủ biển đảo. Nhưng với cô Hiếu, cô Thắm đó mới chính là món quà có ý nghĩa nhất đối với người làm nghề dạy học.
Chia tay lớp học ra về, tiếng bi bô chưa rõ lời từ lớp học Hoa Phong Ba cứ vang vọng mãi giữa biển xanh rì rào sóng vỗ. Tôi thầm khâm phục nghị lực phi thường của 2 cô giáo trẻ đã từ bỏ cuộc sống nhộn nhịp nơi đất liền để gieo chữ nơi đảo xa. Bằng nhiệt huyết nhà giáo yêu nghề, mến trẻ các cô đã ươm mầm giáo dục cho những ngư dân nhí nơi đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Một năm học mới lại bắt đầu và tôi hiểu một năm bận rộn và thầm lặng nữa lại đến với các cô.
Lê Thị Thu Thanh
Bài viết khác
Thêm một trường sư phạm bỏ xét học bạ
Ngày đăng: 13/01/2025 - Lượt xem: 124
Thêm một trường sư phạm bỏ xét học bạ
Xem thêm [+]“Chạy đua” IELTS từ tiểu học, học sinh vất vả, phụ huynh tốn kém ra sao?
Ngày đăng: 07/01/2025 - Lượt xem: 87
Nhiều phụ huynh cho con học IELTS sớm để vào trường tốt, nhưng việc này có thể gây căng thẳng, vì học sinh ở độ tuổi này chưa đủ kiến thức và sức bền.
Xem thêm [+]Đại học Kinh tế quốc dân dừng tuyển sinh nhiều tổ hợp trong năm 2025
Ngày đăng: 06/01/2025 - Lượt xem: 107
Đại học Kinh tế quốc dân dừng tuyển sinh nhiều tổ hợp trong năm 2025
Xem thêm [+]Nhiều trường đại học top đầu ở Tp.HCM "chốt" phương án tuyển sinh 2025
Ngày đăng: 04/01/2025 - Lượt xem: 218
Các trường: Đại học Sư phạm Kỹ thuật Tp.HCM, Đại học Khoa học Tự nhiên Tp.HCM và nhiều trường đại học khác đã công bố phương án tuyển sinh 2025.
Xem thêm [+]Thi tốt nghiệp THPT 2025: Đề thi phải hạn chế khả năng "đoán mò" của thí sinh
Ngày đăng: 14/12/2024 - Lượt xem: 191
Liên quan đến Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, lần đầu tiên được tổ chức theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tăng thời gian làm bài thi của các môn lựa chọn và có giải pháp hạn chế khả năng "đoán mò" trong dạng thức câu hỏi đúng, sai.
Xem thêm [+]Dự kiến bỏ điểm sàn thi tốt nghiệp khi xét tuyển ngành Y Dược, Sư phạm: Bộ GD&ĐT lý giải gì?
Ngày đăng: 02/12/2024 - Lượt xem: 189
Dự kiến bỏ điểm sàn thi tốt nghiệp khi xét tuyển ngành Y Dược, Sư phạm: Bộ GD&ĐT lý giải gì?
Xem thêm [+]Người trẻ muốn cai nghiện điện thoại nhưng không biết làm thế nào
Ngày đăng: 21/11/2024 - Lượt xem: 222
Người trẻ muốn cai nghiện điện thoại nhưng không biết làm thế nào
Xem thêm [+]5 việc giúp sinh viên có những năm tháng ý nghĩa ở trường đại học
Ngày đăng: 15/11/2024 - Lượt xem: 209
Để có thể nhanh chóng thích ứng với một giai đoạn học tập mới, tân sinh viên cần có sự chuẩn bị về tâm lý và kỹ năng.
Xem thêm [+]Không cộng điểm nghề xét tốt nghiệp THPT: 'Cần làm sớm, nhiều nước đã bỏ từ lâu'
Ngày đăng: 08/11/2024 - Lượt xem: 162
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc không cộng điểm khuyến khích chứng chỉ nghề vào xét tốt nghiệp THPT từ năm 2025 là phù hợp do Chương trình phổ thông 2018 không còn quy định hoạt động dạy nghề như chương trình cũ.
Xem thêm [+]ĐH Bách khoa Hà Nội công bố lịch thi đánh giá tư duy năm 2025
Ngày đăng: 02/11/2024 - Lượt xem: 215
ĐH Bách khoa Hà Nội công bố lịch thi đánh giá tư duy năm 2025
Xem thêm [+]Danh mục ngành nghề
Góc cuộc thi
- Không thi thực hành trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia 2021-2022
- Học sinh Việt vô địch cuộc thi Tin học văn phòng thế giới
- Sinh viên văn hóa đạt giải Nhất cuộc thi về ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo
- [Nghề nào cho em] Năng lực bản thân - Vũ khí của sự khác biệt
- [Nghề nào cho em] Đơn phương nghề báo
- [Nghề nào cho em] Ước mơ hay xu thế - lựa chọn con đường phía trước
- [Nghề nào cho em] Hành trình của những giấc mơ
- [Nghề nào cho em] Đại học có phải con đường duy nhất để dẫn đến thành công