Đọc bài viết "Hướng nghiệp kiểu 'học đi, lương cao lắm'", tôi thấy có nhiều ý kiến thắc mắc: hướng nghiệp mà không nói mấy chuyện sau này làm gì, có việc không, làm được bao tiền một tháng thì biết tư vấn gì? Dĩ nhiên lương và tỷ lệ việc làm phải đề cập, nhưng tôi cho rằng, những mặt trái, mặt ít biết của nghề cũng phải được chia sẻ một cách chi tiết nhất. Cái này đòi hỏi phải được tư vấn trực tiếp từ người làm nghề, chứ người chưa từng làm qua sẽ rất khó nói chính xác.
Do đó, cần mở các chương trình cho học sinh cấp hai, ba được trực tiếp theo dõi những người chuyên nghiệp làm việc trong một tuần (không phải thực tập mà là im lặng theo dõi, không làm phiền, cản trở họ). Muốn vậy, trường học cần tăng liên kết với các công ty, doanh nghiệp địa phương, tổ chức dã ngoại bằng cách đưa các em đến thăm công trường, nhà máy, trang trại, sở cứu hỏa, trạm cảnh sát, bệnh viện, cho đến công ty công nghệ, phim trường, hậu trường sân khấu, trụ sở xuất bản, đài phát thanh truyền hình, mỏ địa chất, trạm canh lâm nghiệp... xem các nhân viên làm việc, vận hành thế nào? Điều đó sẽ có ý nghĩa hơn nhiều việc đi dã ngoại sở thú, công viên, bảo tàng như hiện nay.
Định hướng thế hệ trẻ là việc mà cả xã hội phải chung tay. Muốn thúc đẩy một số ngành nghề cần thiết nhưng ít nguòi chọn thì Bộ Giáo dục & Đào tạo phải hỗ trợ kinh phí. Còn lại, các công ty cũng có thể dùng chương trình liên kết làm phương tiện PR, phục vụ lợi ích cộng đồng, quảng cáo, tăng độ nhận diện... cho mình.
Doanh nghiệp nên có tầm nhìn xa, thu hút sự chú ý, ủng hộ của cộng đồng từ phụ huynh học sinh đến học sinh cấp hai, ba - nguồn lao động tương lại, chứ không thể đợi tới bậc đại học, khi các sinh viên đã chọn ngành xong xuôi hết rồi. Đây cũng là một cách doanh nghiệp PR tên tuổi. Doanh nghiệp địa phương ưu tiên tuyển dụng lao động địa phương để tránh chi phí khác.
Nơi tôi sống, các công ty dù mới thành lập cũng tích cực PR mục đích "phát triển cộng đồng", công ty sẽ góp gì vào sự phát triển của địa phương ngoài khoản thuế (nhiều nơi còn có ưu đãi thuế). Tăng độ nhận diện, xây dựng hình ảnh tích cực, thu hút người lao động, có được sự ủng hộ của người bản địa, chính quyền sở tại... luôn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của công ty đó.
Đây là mối quan hệ win - win. Thay vì bỏ tiền làm một chiến dịch quảng cáo đắt tiền nhưng xa rời quần chúng, kém hiệu quả thì họ làm như vậy và thành công nên càng được ủng hộ, nhân rộng. Các cơ sở của nhà nước càng phải ủng hộ giáo dục. Nếu một năm dành ra vài ngày đóng góp cho tương lai đất nước còn kêu quá khó thì đừng nói tới chuyện phát triển.
Thế mới thấy, một nền giáo dục được gọi là tiên tiến không phải chỉ ở những trường Đại học nổi tiếng, top 1, top 2 thế giới, mà vì cả hệ thống liên kết chặt chẽ, từ gia đình, nhà trường đến xã hội, từ mầm non lên đại học. Đó là nền giáo dục thực tế mà tôi và nhiều người xung quanh từng được hưởng. Mong thế hệ trẻ Việt Nam cũng sẽ được hưởng những lợi ích tương tự ngay tại quê nhà. Bằng không, "những đứa trẻ có tài" sẽ lại kéo nhau ra đi, tìm đến những nơi có thể hỗ trợ chúng phát huy tiềm năng.
Theo vnexpress