Phỏng vấn Quán quân Olympia năm thứ 10: Sang Úc tìm tên mình trên Google nhưng chỉ ra “ông tổ của nghề rửa bát”
Sau 10 năm, Nhà vô địch Olympia Phan Minh Đức đang có cuộc sống thế nào và có những dự định gì cho tương lai? Ngay bây giờ hãy cùng Hướng nghiệp GPO tìm hiểu thông tin này các bạn nhé!
Nhà vô địch Đường Lên Đỉnh Olympia đang làm gì, thành công ra sao là câu hỏi muôn thuở nhưng chưa bao giờ cũ, mỗi năm họ đều được khán giả nhắc đến và đem ra bàn luận, cân đo. Trong số các nhà vô địch thì Phan Minh Đức (1992) là một cái tên thường xuyên nhận được sự quan tâm, có lẽ bởi vì anh chính là người đầu tiên và duy nhất tính đến thời điểm hiện tại có thể mang vòng nguyệt quế về cho Hà Nội.
Sau cuộc thi, anh lên đường du học ngành Tài chính - Kế toán tại ĐH Swinburne, sau đó anh tiếp tục học lên Thạc sĩ ngành Chính sách ngân hàng và có nghiên cứu về Kinh tế lượng. Hiện anh đang là Nghiên cứu sinh ngành Kinh tế, đồng thời anh đang tham gia phát triển một dự án giáo dục tại Việt Nam.
Sau 10 năm, Phan Minh Đức - cậu học sinh trường Ams trên sân khấu Olympia giờ đây là ai và có cuộc sống thế nào, hãy cùng lắng nghe chàng trai này tâm sự nhé!
Anh còn nhớ về lần mình đứng trên sân khấu truyền hình trực tiếp trong trận Chung kết năm Olympia chứ? Anh có từng nghĩ mình sẽ đoạt ngôi Vô địch?
Đến bây giờ mình vẫn nhớ y nguyên cảm giác đứng trên sân khấu, không chỉ ở trận Chung kết năm mà tất cả các vòng thi, vì với một cuộc thi mà có loại trực tiếp thì vòng nào cũng là Chung kết hết. Tất nhiên là với Chung kết năm thì mọi thứ sẽ khác hơn rất nhiều, từ việc chương trình diễn ra trực tiếp trên sóng truyền hình với hàng triệu người xem đến các điểm cầu truyền hình tại các trường,... Những điều này mang đến cảm xúc rất mạnh và khó quên.
Còn khi đi thi thì tất nhiên ai cũng sẽ hi vọng mình là người chiến thắng rồi, mình may mắn đã đạt được vị trí đó và cũng được mọi người biết đến nhiều hơn. Điều này cũng mang lại cho mình những thuận lợi nhất định trong cả công việc và cuộc sống.
Các Nhà vô địch thường sẽ được dân tình chú ý vào 1 thời điểm trong năm, đó là khi Chung kết Olympia diễn ra. Anh có bao giờ sợ hãi vì điều này?
Đúng là điều này có hay xảy ra, mình nghĩ đây cũng là chuyện rất bình thường và không có gì đến mức “sợ hãi” cả. Chỉ có điều là mọi người hay quan tâm đến việc các Nhà vô địch Olympia đang làm gì, đã thành công, thành đạt chưa và đôi lúc là cả đời sống cá nhân nữa. Mình nghĩ cho dù là Nhà vô địch Olympia thì bọn mình cũng là những người bình thường với những cuộc sống riêng, kế hoạch và dự định riêng và mong mọi người tôn trọng điều đó.
Anh có từng tự search tên mình trên Google hay nhấp link, tìm đọc một bài báo viết về mình chưa? Lúc ấy phản ứng của anh ra sao?
Mình cũng có tò mò tìm thử thì thấy xuất hiện nhiều nhất là bài viết với nội dung “ông tổ nghề rửa bát”. Cái này thì thực ra là vui thôi, việc đi làm thêm với du học sinh tại Úc là rất bình thường, mình khác cái là được truyền thông chú ý hơn một tẹo và được anh chị báo chí ưu ái đặt cho một danh hiệu nghe rất kêu.
Có những năm người lên ngôi Vô địch được đem ra mổ xẻ, bàn luận và gây tranh cãi. Năm 2010, hẳn là anh cũng từng chịu những áp lực này không ít thì nhiều, anh đã đối diện với nó như thế nào?
Câu hỏi này thì mình thấy rất hay, thực ra áp lực này không chỉ dừng ở năm 2010 đâu mà vẫn tiếp tục về sau nữa, có chăng là ở năm đó thì áp lực lớn hơn gấp nhiều lần thôi, và mình nghĩ với những nhà vô địch khác cũng vậy. Mọi người sẽ nhìn mình với mặc định là Phan Minh Đức Olympia chứ không phải là một Phan Minh Đức đơn thuần nữa.
Có một điều mình chưa từng chia sẻ, đó là hãy nhìn chương trình Đường Lên Đỉnh Olympia như một cuộc thi kiến thức dành cho học sinh chứ không phải là tìm kiếm nhân tài học thuật.
Bản thân các thí sinh tham gia cuộc thi cho dù có thắng cuộc hay chưa đạt thành tích thì đều là những học sinh có năng lực, trong đó nhiều người rất giỏi. Tuy nhiên từ những học sinh giỏi đến với sự thành đạt, thành công là một khoảng cách rất xa và phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Vậy nên mong mọi người hãy nhìn cuộc thi với góc nhìn nhẹ nhàng hơn, với kỳ vọng nhỏ hơn để những vòng nguyệt quế khi các thí sinh đội lên được giảm đi “sức nặng”.
Khác với các Nhà vô địch khác, anh có vẻ khá cởi mở chia sẻ thông tin và quan điểm của mình trên MXH. Vì sao anh lại mạnh dạn làm điều này trong khi số khác lại ái ngại?
Có thể chỉ đơn giản là những người khác không thích sử dụng MXH thôi. Về phần mình, mong muốn được hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và giúp các bạn trẻ có nhận thức đúng đắn về việc định hướng nghề nghiệp trong tương lai.
Việc sử dụng nền tảng MXH là một phương thức hiệu quả để bản thân mình tiếp cận gần hơn với các bạn thông qua các group, fanpage, talkshow mà mình tạo lập và tổ chức. Đối với mình, đây vừa là cách để khẳng định bản thân, vừa là cách để chia sẻ và đóng góp giá trị tới cộng đồng, xã hội.
Ở Úc, anh đã gặp mặt hết các anh chị, các bạn Nhà vô địch Olympia chưa? Đến nay anh còn giữ mối liên hệ thân thiết với ai không?
Mình cũng có may mắn được gặp mặt gần hết những Nhà vô địch trước và sau năm của mình, ngoại trừ Hoàng Cường vì tình hình dịch Covid-19 không cho phép, và Thế Trung, Thu Hằng vì hai bạn chưa sang Úc thôi.
Mình vẫn giữ liên lạc với mọi người ở bên Úc này. Trước Covid-19, chúng mình vẫn thường sắp xếp gặp nhau. Trong số các anh chị và các bạn thì mình hay gặp Thế Anh (O13) nhất vì tụi mình tham gia đá bóng mỗi cuối tuần. Ngoài ra, mình cũng hay gặp và trò chuyện với anh Mạnh Tân (O2) và học được từ anh Tân rất nhiều.
Có khá nhiều Nhà vô địch thành công và khiến công chúng ngưỡng mộ về những thành tựu mà mình có, mà cái dễ nhận ra nhất hẳn là tài sản mà họ đã sở hữu được. Vậy thì với anh, sau 10 năm, anh đã có gì được gọi là thành tựu chưa?
Không phủ nhận tài sản là một trong những yếu tố quan trọng để làm thước đo cho sự thành công, với nhiều người thì đó còn là yếu tố quan trọng nhất. Mình khá ngại chia sẻ vấn đề này nhưng thành thật mà nói thì bản thân mình chưa tích lũy được nhiều do đi theo hướng học hành và làm công việc giảng dạy. Tuy nhiên thì hiện tại mình cũng đang trong nhóm thành viên sáng lập và là cổ đông của một start-up về giáo dục trực tuyến, bọn mình vẫn đang trong giai đoạn xây dựng và phát triển.
Phan Minh Đức vinh dự được đại diện sinh viên phát biểu trong lễ tốt nghiệp
Điều gì anh nghĩ khán giả đã từng nghĩ sai về các Nhà vô địch Olympia?
Câu này thì mình đã trả lời ở trên, các thí sinh Olympia là những học sinh giỏi, có năng lực, nhưng đến mức xuất chúng hay nhân tài thì khách quan mà nói là bọn mình cần cố gắng nhiều mới đạt được mức đó, tất nhiên là có những anh chị hay các bạn có thể ở mức như vậy nhưng theo mình thì chỉ là số ít.
Ngoài ra thì mình có thấy một điều đó là bất kì một post nào liên quan đến Olympia thì đều có bình luận: “Cuộc thi tìm kiếm nhân tài dành cho nước Úc”.
Xin khẳng định một điều như thế này, đó là nước Úc có rất nhiều nhân tài khác, giỏi và thành công hơn bọn mình gấp nhiều nhiều lần. Ở Việt Nam bọn mình là Nhà vô địch Olympia, nhưng khi đến Úc bọn mình là một du học sinh bình thường như hàng nghìn du học sinh khác, vẫn phải cố gắng, phấn đấu từng ngày. Thậm chí còn áp lực hơn để đáp ứng được kỳ vọng của mọi người. Hơn nữa mọi người chỉ nhìn việc những Nhà vô địch Olympia sống tại Úc nhưng đâu biết được thực sự họ đã đóng góp gì về cả vật chất hay tri thức cho Việt Nam đúng không? Bản thân việc những anh chị thành công, thành đạt tại đây cũng là một sự đóng góp về việc giới thiệu hình ảnh Việt Nam với bạn bè quốc tế rồi.
Anh từng vỡ mộng về điều gì khi sang Úc du học?
Không đến mức “vỡ mộng” vì mình là dân chuyên Lý nên suy nghĩ thực tế lắm. Nhưng cũng có khá nhiều điều bất ngờ khi sang Úc học. Từ những điều nho nhỏ như đi siêu thị có thể tự tính tiền, trong nhà hàng thì nước sốt như tương ớt phải mua chứ không miễn phí, hay mức lương cho các công việc phổ thông như bồi bàn, phụ bếp, pha chế v..v.. cũng khá cao, đủ để tự trang trải cuộc sống nên gần như ai sang đây cũng đi làm thêm, kể cả những bạn gia đình có điều kiện ở mức khá giả.
Từng có quan điểm người đi du học khi trở về khó có đất dụng võ ở Việt Nam. Vậy theo anh, nó có đúng không? Bản thân anh thì nghĩ đâu là lý do níu chân một du học sinh ở lại sau khi du học xong?
Theo quan điểm của mình thì không nhất thiết cứ phải về sống ở Việt Nam và làm việc tại Việt Nam mới cống hiến cho đất nước được. Ví dụ như bản thân mình nếu quay về Việt Nam làm thì có thể đóng góp trực tiếp bằng cách đóng thuế hoặc tạo ra một sản phẩm, dịch vụ hay giá trị nào đó. Nhưng nếu ở Úc thì mình cũng làm được những việc tương tự.
Khách quan mà nói thì việc về nước làm sau khi đi du học cũng có đôi chút khó khăn, khó khăn ở đây không phải là về cơ sở vật chất hay điều kiện mà về những rào cản khác như sự thích nghi và tính phù hợp. Việc học tập tại một nền giáo dục, một môi trường và bắt đầu công việc tại một môi trường khác là một thách thức lớn và đòi hỏi thời gian để có thể thích nghi.
Nếu mình là một nhà tuyển dụng trong nước, chắc chắn mình sẽ ưu tiên chọn một bạn sinh viên học trong nước, thay vì một du học sinh mới vừa tốt nghiệp xong và về nước. Và mình nghĩ rằng đây là một trong muôn vàn yếu tố để các bạn cân nhắc khi trả lời câu hỏi rằng mình sẽ tiếp tục lập nghiệp như thế nào, ví dụ như khoảng cách với gia đình, cơ hội việc làm, khả năng tài chính, môi trường sống, chuyện tình cảm cá nhân,... Mình nghĩ rằng đây là một quyết định hoàn toàn thuộc về cá nhân, và không nên có sự phán xét đúng sai cho lý do mà mỗi người đưa ra.
Cám ơn anh vì cuộc trò chuyện này!
Phan Minh Đức đang ấp ủ những dự định gì trong tương lai?
1. Tiếp tục hợp tác với tổ chức phi lợi nhuận đó là FYE - Quỹ Hỗ trợ Phát triển Thanh niên và YLN - Mạng lưới Lãnh đạo trẻ Việt Nam.
2. Chia sẻ nhiều hơn các bài viết liên quan tới quan điểm và trải nghiệm của bản thân trên fanpage "Phan Minh Đức Olympia".
3. Tổ chức một số buổi tư vấn/hướng nghiệp nâng cao cho các bạn học sinh, sinh viên.
4. Bắt đầu học một lĩnh vực hoàn toàn mới.
Hướng nghiệp GPO mong rằng bạn đã tích luỹ được cho bản thân những thông tin hữu ích này. Nếu các bạn có bất kì thắc mắc nào hay cần hỗ trợ tư vấn hướng nghiệp, vui lòng đăng kí thông tin tại đây.
Bích Ngọc
Xem thêm bài viết cùng chủ đề:
Kinh nghiệm thực tiễn về Fintech từ tiến sĩ gốc Việt tại New Zealand
Nữ sinh 14 tuổi chia sẻ cách học 8.5 IELTS Listening
Á quân Olympia mùa đầu tiên Nguyễn Thành Vinh được bổ nhiệm giáo sư trợ lý
Bài viết khác
Người trẻ muốn cai nghiện điện thoại nhưng không biết làm thế nào
Ngày đăng: 21/11/2024 - Lượt xem: 23
Người trẻ muốn cai nghiện điện thoại nhưng không biết làm thế nào
Xem thêm [+]5 việc giúp sinh viên có những năm tháng ý nghĩa ở trường đại học
Ngày đăng: 15/11/2024 - Lượt xem: 52
Để có thể nhanh chóng thích ứng với một giai đoạn học tập mới, tân sinh viên cần có sự chuẩn bị về tâm lý và kỹ năng.
Xem thêm [+]Không cộng điểm nghề xét tốt nghiệp THPT: 'Cần làm sớm, nhiều nước đã bỏ từ lâu'
Ngày đăng: 08/11/2024 - Lượt xem: 59
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc không cộng điểm khuyến khích chứng chỉ nghề vào xét tốt nghiệp THPT từ năm 2025 là phù hợp do Chương trình phổ thông 2018 không còn quy định hoạt động dạy nghề như chương trình cũ.
Xem thêm [+]ĐH Bách khoa Hà Nội công bố lịch thi đánh giá tư duy năm 2025
Ngày đăng: 02/11/2024 - Lượt xem: 83
ĐH Bách khoa Hà Nội công bố lịch thi đánh giá tư duy năm 2025
Xem thêm [+]Đề tiếng Anh tốt nghiệp THPT 2025 tăng độ khó, thí sinh luyện IELTS có lợi
Ngày đăng: 28/10/2024 - Lượt xem: 159
Đề tiếng Anh tốt nghiệp THPT 2025 tăng độ khó, thí sinh luyện IELTS có lợi
Xem thêm [+]Sinh viên Việt Nam đến New Zealand nhiều nhất trong 10 năm
Ngày đăng: 21/10/2024 - Lượt xem: 108
Sinh viên Việt Nam đến New Zealand nhiều nhất trong 10 năm
Xem thêm [+]10 đại học Mỹ dẫn đầu về mức lương của cựu sinh viên
Ngày đăng: 15/10/2024 - Lượt xem: 217
10 đại học Mỹ dẫn đầu về mức lương của cựu sinh viên
Xem thêm [+]Học nông nghiệp ra làm nghề gì?
Ngày đăng: 12/10/2024 - Lượt xem: 278
Học nông nghiệp ra làm nghề gì?
Xem thêm [+]Bộ Giáo dục đề xuất bốc thăm môn thi thứ ba vào lớp 10
Ngày đăng: 08/10/2024 - Lượt xem: 200
Bộ Giáo dục đề xuất bốc thăm môn thi thứ ba vào lớp 10
Xem thêm [+]Đại học Quốc gia TP HCM bỏ hai cách xét tuyển từ năm 2025
Ngày đăng: 07/10/2024 - Lượt xem: 250
Đại học Quốc gia TP HCM bỏ hai cách xét tuyển từ năm 2025
Xem thêm [+]Danh mục ngành nghề
Góc cuộc thi
- Không thi thực hành trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia 2021-2022
- Học sinh Việt vô địch cuộc thi Tin học văn phòng thế giới
- Sinh viên văn hóa đạt giải Nhất cuộc thi về ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo
- [Nghề nào cho em] Năng lực bản thân - Vũ khí của sự khác biệt
- [Nghề nào cho em] Đơn phương nghề báo
- [Nghề nào cho em] Ước mơ hay xu thế - lựa chọn con đường phía trước
- [Nghề nào cho em] Hành trình của những giấc mơ
- [Nghề nào cho em] Đại học có phải con đường duy nhất để dẫn đến thành công